Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến đời sống người khuyết tật

Đại dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhiều đối tượng lao động. Đặc biệt, đối với những người khuyết tật, người yếu thế thì những thách thức mà họ phải vượt qua càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, dẫu rằng họ đã tìm mọi cách, xoay xở đủ nghề để mưu sinh.

Đời sống của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Đời sống của người khuyết tật gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Bị khuyết tật bẩm sinh, lại làm mẹ đơn thân, bởi thế mà cuộc sống của chị Đinh Thị Làn, xã Khánh Lợi (huyện Yên Khánh) và cậu con trai 7 tuổi vốn đã rất khó khăn. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, chị Làn nhận giấy tiền về gấp. Tuy không đáng là bao, nhưng cũng thêm thắt phần nào để cuộc sống của hai mẹ con bớt cơ cực.

Năm 2020, khi HTX Phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh được thành lập và mở lớp dạy nghề đan chổi đót, chị Làn đã xin vào học nghề. Sáng dạ, lại năng động, ham học hỏi, chỉ một thời gian ngắn, chị Làn đã có thể làm bất cứ loại chổi với mẫu mã mới nhất. Chị Làn trở thành tổ trưởng của tổ làm chổi đót và dạy nghề cho nhiều người khuyết tật khác.

Giới thiệu cho chúng tôi về những sản phẩm được làm ra, chị Làn cho biết, làm chổi là một trong những hoạt động chính của người khuyết tật sinh hoạt trong HTX Phụ nữ khuyết tật Ước vọng xanh. Bởi lẽ công việc khá phù hợp với sức khỏe và trình độ của người khuyết tật. Tùy chất lượng, các sản phẩm có giá từ 25-40 ngàn đồng/chiếc. Các thành viên trong HTX đều động viên nhau vượt khó, tự tìm đến giới thiệu sản phẩm cho các trường học, cơ quan, đơn vị… để tìm kiếm khách hàng mua buôn.

Hiện nay, nghề làm chổi đã mang lại việc làm cho gần chục người khuyết tật. Trong đó có những người sức khỏe kém, trí tuệ không phát triển. Mỗi tháng, một người làm lành nghề có thể đạt mức thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Đối với thợ sức khỏe kém, làm các công đoạn đơn giản như quấn chổi thì được chừng 600-700 nghìn đồng/người. Có thể, khoản thu nhập ấy chưa đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân, song cũng phần nào đỡ đần được cho gia đình người khuyết tật. Quan trọng hơn nữa là mỗi người khuyết tật tìm được niềm vui, động lực trong cuộc sống.

Tuy vậy, từ tháng 5/2021 đến nay, do đợt dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp nên các hoạt động mưu sinh của những người khuyết tật trở nên khó khăn hơn hơn bao giờ hết. Hơn 1 nghìn chiếc chổi đót làm ra chưa tiêu thụ được. Chị Làn cho biết: Trước đây, để tiêu thụ được số sản phẩm làm ra, chúng tôi đưa ra chợ để bán, đồng thời mời chào khách là các cơ quan, trường học.

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trong khi đa số chúng tôi sức khỏe kém nên không thể đưa hàng đi tiêu thụ được. Các trường học - nơi tiêu thụ chủ yếu lại đang trong thời gian nghỉ hè. Chúng tôi không có thu nhập từ vài tháng nay.

Anh Đỗ Văn Cư, một người khiếm thị ở phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình làm nghề tẩm quất. Nhưng từ hơn 3 tháng nay, anh Cư không có thu nhập, do cơ sở tẩm quất của anh phải tạm đóng cửa do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Nén tiếng thở dài, anh Cư cho biết: Cơ sở tẩm quất mà tôi làm có 3 thợ. Mỗi ngày nếu có khách đều thì mỗi thợ cũng có thu nhập khoảng 160 nghìn đồng/ngày. Đây là khoản thu nhập ổn định để chăm lo cho hai vợ chồng và một đứa con nhỏ. Nhưng những tháng qua, dịch bệnh phức tạp, cơ sở phải tạm dừng hoạt động nên nguồn thu nhập đó cũng không còn nữa. Cuộc sống của chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có trên 24 nghìn người khuyết tật, trong đó có hàng ngàn người khuyết tật là trụ cột kinh tế của gia đình. Ông Phạm Hữu Chính, Chủ tịch Người khuyết tật tỉnh cho biết, những năm qua, người khuyết tật đã dần vượt qua được sự mặc cảm với khiếm khuyết của cơ thể, mạnh mẽ với khát vọng vươn lên hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống được bản thân mà không phải lệ thuộc vào gia đình. Đặc biệt, nhiều người trong số đó đã lập gia đình và trở thành trụ cột kinh tế.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài và phức tạp đã gây ra rất nhiều khó khăn, dập tắt nhiều cơ hội việc làm để mưu sinh của người khuyết tật. Trước mắt, để những người khuyết tật có thêm nguồn lực, động lực để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh, rất mong cộng đồng phát huy tinh thần "tương thân tương ái", cùng chung tay hỗ trợ người khuyết tật bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Còn về lâu dài, những người khuyết tật rất mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; được tham gia vào các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng quản lý tài chính và được hỗ trợ trong việc tìm kiếm các đơn vị bao tiêu đầu ra cho sản phẩm… Có như vậy, những người khuyết tật mới có thể thành công trong các lĩnh vực mà họ tâm huyết theo đuổi.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dich-covid-19-anh-huong-lon-den-doi-song-nguoi-khuyet-tat/d20210802100921981.htm