Dịch COVID-19: Bang Michigan và Washington áp đặt một loạt hạn chế mới

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện. Nguồn:AFP/TTXVN

Ngày 15/11, các bang Michigan và Washington của Mỹ đã áp đặt một loạt hạn chế mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh số ca mắc ở nước này đã vượt ngưỡng 11 triệu ca, chỉ hơn một tuần sau khi chạm mốc 10 triệu.

Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer đã ra lệnh đóng cửa các trường cấp 3 và đại học, đồng thời cấm các nhà hàng phục vụ khách ở không gian trong nhà. Ngoài ra, các sự kiện công cộng không được phép diễn ra tại nhà hát, sòng bài, rạp chiếu phim và các tụ điểm công cộng khác, trong khi mọi hoạt động tụ tập trong nhà cũng bị hạn chế tối đa 10 người tham gia (từ mức tối đa 2 gia đình). Các quy định mới có hiệu lực trong 3 tuần, bắt đầu từ ngày 18/11 tới.

Thống đốc Whitmer cảnh báo bang Michigan đang chứng kiến "giai đoạn tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19, và nếu không hành động quyết liệt, số ca tử vong ở bang này có thể sớm lên mức 1.000 ca/ tuần.

Tại bang Washington, Thống đốc Jay Inslee cũng ban bố lệnh cấm các nhà hàng và phòng tập gym mở không gian trong nhà, đồng thời yêu cầu các cửa hàng bán lẻ giảm công suất phục vụ xuống còn 25%. Các hoạt động tụ tập trong nhà cũng bị cấm nếu ngoài phạm vi gia đình, trong khi các hoạt động tụ tập ở không gian công cộng bị giới hạn tối đa 5 người tham gia.

Các hạn chế mới được áp đặt trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ trong những ngày gần đây đã tăng hơn gấp đôi so với mức đỉnh dịch ghi nhận hồi giữa tháng 7 vừa qua. Theo số liệu tổng hợp của Reuters, từ đầu tháng 11 đến nay, 40 bang của Mỹ đã chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, 20 bang có số ca tử vong mỗi ngày ở mức cao nhất và 26 bang có số ca nhập viện cao nhất kể từ đầu dịch. Trong 7 ngày vừa qua, mỗi ngày Mỹ phát hiện hơn 144.000 ca mắc COVID-19 và 1.120 ca tử vong, mức cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Trước đó cùng ngày 15/11, đội ngũ cố vấn cấp cao của ông Joe Biden - người được truyền thông Mỹ đưa tin giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đã kêu gọi hành động khẩn cấp để ứng phó dịch COVID-19. Các chuyên gia này cảnh báo việc Tổng thống Donald Trump từ chối bắt đầu chuyển giao quyền lực có thể sẽ khiến công tác phòng chống dịch gặp thêm nhiều khó khăn.

Số ca mắc COVID-19 ở Mexico đã vượt 1 triệu người, trong đó có gần 100.000 ca tử vong, xếp thứ 11 thế giới về số ca bệnh và thứ tư thế giới về số ca tử vong.

Tuy nhiên, giới chuyên gia y tế cho rằng đây là hệ quả tất yếu của chiến lược phòng chống dịch “có cũng như không” theo kiểu "cuốn theo chiều gió" của quốc gia này, khi không áp dụng các biện pháp phong tỏa hay cách ly bắt buộc.

Sau hai tháng thực hiện khuyến cáo của chính phủ về giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, cuộc sống của người dân Mexico đã quay trở lại tình trạng “bình thường mới” khi chính phủ dỡ bỏ giãn cách xã hội và mở cửa lại các lĩnh vực của nền kinh tế từ ngày 1/6, bất chấp số ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2 vẫn tăng mạnh hằng ngày.

Tình trạng ách tắc giao thông lại tiếp diễn và các phương tiện giao thông công cộng lại “chật ních” người, chỉ với một điều khác biệt là sự xuất hiện của những chiếc khẩu trang y tế.

Mexico ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào ngày 28/2 và khi dịch bắt đầu bước vào giai đoạn lây lan cộng đồng từ cuối tháng 3, chính phủ của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador chỉ ban bố tình trạng khẩn cấp y tế, với việc triển khai giãn cách xã hội, tăng cường các biện pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương, dừng tất cả các sự kiện tập trung trên 100 người và đình chỉ các hoạt động không cần thiết trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Mặc dù chưa thể khống chế đà tăng mạnh số ca nhiễm và tử vong, chính phủ chỉ khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp y tế phòng dịch như giữ khoảng cách tối thiểu 1,5m đối với những người xung quanh ở những nơi công cộng.

Cho đến nay, số ca nhiễm bệnh thực tế ở Mexico vẫn là một dấu hỏi, khi chính phủ không áp dụng xét nghiệm đại trà để khoanh vùng dịch. Trung bình mỗi ngày, Mexico thực hiện trên 10.000 xét nghiệm và tỉ lệ cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 từ 30-60%.

Các trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARC-CoV-2 ở Mexico là người dân, theo ứng dụng số trên điện thoại thông minh về chẩn đoán bệnh, thấy mình có triệu chứng mắc COVID-19, sau đó tự đến bệnh viện để làm xét nghiệm. Có tới 85% bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nhẹ đều tự cách ly tại gia theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Và với việc các bệnh nhân nhẹ tự cách ly tại gia thì khả năng kiểm soát dịch tại Mexico là rất khó.

Sở dĩ, cơ quan y tế khuyến cáo người bệnh tự cách ly bởi lo ngại xảy ra tình trạng “vỡ trận” tại các bệnh viện. Hệ thống y tế Mexico hiện chỉ đáp ứng được hơn 11.000 giường bệnh điều trị và thiếu hụt nghiêm trọng về đội ngũ bác sỹ và y tá.

Theo Bộ trưởng Y tế Mexico, Jorge Alcocer Varela, mạng lưới y tế nước này thiếu gần 7.000 bác sỹ và trên 23.000 y tá để đối phó với COVID-19.

Mexico không áp dụng các biện pháp mạnh như nhiều quốc gia trên thế giới để ngăn chặn sự lây lan và tiến tới kiểm soát dịch, xuất phát từ quan điểm cũng như chiến lược phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền Tổng thống Lopez Obrador là vừa chống dịch, vừa đảm bảo giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

Ông Lopez Obrador khẳng định sẽ không áp dụng các biện pháp mạnh như cách ly bắt buộc, giới nghiêm hay đóng cửa biên giới vì cho rằng kinh tế sẽ rơi vào suy thoái và làm tổn thương tới tầng lớp dân nghèo. Ở Mexico, 52,4 triệu người dân sống trong tình trạng nghèo đói (chiếm gần 42% tổng dân số), trong đó 15% thuộc diện nghèo cùng cực.

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, giới quan sát đánh giá rằng Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã cho thấy cách tiếp cận không chỉ đặt nền kinh tế lên trước sức khỏe của người dân, mà còn cả biện pháp "thắt lưng buộc bụng" về tài khóa so với tình trạng kinh tế hiện tại. Mexico đã giữ mức chi tiêu trong tầm kiểm soát và dường như cam kết không nâng mức nợ công, thể hiện ở mức chi tiêu công để kích hoạt lại nền kinh tế ở mức thấp chỉ bằng 0,7% GDP.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/248943/dich-covid-19--bang-michigan-va-washington-ap-dat-mot-loat-han-che-moi.html