Muôn vàn lý do người tiêu dùng 'mê' đồ uống có đường

Nhiều người lao động, cả người trẻ đều cho rằng sau mỗi giờ học và làm căng thẳng họ thường hay uống nước giải khát, nước ngọt để lại sức.

Lời tòa soạn:

Theo thống kê, trung bình, mỗi người tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Do đó, tỉ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất này liệu có làm giảm hoặc hạn chế khả năng tiêu thụ đồ uống có đường? cần những giải pháp thế nào để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt thế hệ trẻ trong tương lai khỏi gánh nặng bệnh tật? Mời quý độc giả đón đọc loạt bài “Thực trạng và bài toán kiểm soát đồ uống có đường” trên Người Đưa Tin.

Giá rẻ, vị ngọt hấp dẫn

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, trên thị trường hiện nay khi đi vào siêu thị hay ngoài quán tạp hóa người tiêu dùng dễ dàng mua các sản phẩm nước ngọt, nước giải khát đủ các chủng loại và mẫu mã, các vị khác nhau rất hấp dẫn.

Anh Nguyễn Văn Việt (quê Thanh Hóa) đang làm việc cho một công xưởng tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết anh là một “fan” của nước ngọt. Theo lời anh Việt, có những ngày trung bình anh phải ra quán tạp hóa gần chỗ làm mua khoảng 5 lon nước ngọt.

“Làm công việc lao động chân tay nên mất mồ hôi khá nhiều, mỗi lần khát nước, mệt mỏi là tôi lại chạy ra mua một lon nước ngọt. Mỗi lần uống xong tôi thấy rất thoải mái, dễ chịu”, anh Việt nói.

Anh Việt cũng cho biết, ngày thường anh chỉ uống 1-2 lon, nhưng những ngày hè cao điểm có lúc anh uống 4-5 lon nước ngọt. “Nhiều người cũng bảo hạn chế uống nước ngọt vì không tốt, nhưng không uống là tôi cứ thấy thiếu thiếu”, anh Việt cho hay.

Anh Nguyễn Văn Việt thường sử dụng nước giải khát có đường.

Anh Nguyễn Văn Việt thường sử dụng nước giải khát có đường.

Chị Phạm Thị Thu Huệ (34 tuổi, quê Sơn La) đang làm việc lao động tự do tại Hà Nội cho biết, chị rất thích nước ngọt, đặc biệt thêm chút đá vào thì cảm giác mọi mệt mỏi tan biến.

“Hầu như ngày nào tôi cũng mua nước ngọt để uống, vì lao động tay chân mất sức nhiều. Nước ngọt có nhiều vị nhưng nhìn chung đều rất dễ uống, ngon, ngọt”, chị Huệ cho biết và mỗi ngày chị chi tầm 10 – 20.000 đồng cho việc sử dụng nước ngọt.

Trong khi đó, chàng trai Nguyễn Văn Luyên (23 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng – Hà Nội), trung bình mỗi ngày uống 1 chai nước giải khát.

“Nước giải khát đóng chai không phải là sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày và cũng không tốt cho sức khỏe, nhưng với tôi nó đã trở thành sản phẩm quen thuộc. Nhất là khi những sản phẩm này dễ dàng mua bán ở bất cứ đâu, ngay cả trên sàn thương mại điện tử”, Luyên cho hay.

Em Nguyễn Tùng Lâm (13 tuổi, trường THCS Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội) cho biết mỗi ngày được bố mẹ cho 10.000 đồng, mỗi chai nước trước cổng trường có giá bán 5.000 – 7.000 đồng. Cứ cách ngày em lại trích tiền tiết kiệm ra để mua một chai.

Đáng nói, em Lâm mới 13 tuổi nhưng đã gần 60kg, bản thân em biết tình trạng thừa cân của mình nguyên nhân một phần đến từ việc sử dụng nước ngọt, đồ uống có đường nhiều nhưng Lâm cho hay, không phải lúc nào em cũng muốn uống nước ngọt nhưng xung quanh các bạn đều uống nên bản thân cũng có cơn thèm.

Theo lời kể của chị Thu Hà (Hà Nội), bình thường gia đình ưu tiên uống nước đun sôi để nguội hoặc các loại nước tự chế biến tại nhà. Nhưng cứ đến mùa nắng nóng, tần suất sử dụng các loại nước giải khát của gia đình chị lại gia tăng nhiều với mục đích giải nhiệt.

Siêu thị bày bán đủ các loại nước ngọt để người tiêu dùng lựa chọn.

Siêu thị bày bán đủ các loại nước ngọt để người tiêu dùng lựa chọn.

Là chủ quán tạp hóa nằm trên đường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Tp.Hà Nội, bà Mỹ Lệ cho biết mỗi ngày bà bán ra khoảng 30-50 các loại nước ngọt đóng lon, đóng chai với giá bán từ khoảng 8.000 – 15.000 đồng/sản phẩm. Khách hàng chủ yếu là những người lao động, giá bán trên mỗi sản phẩm tương đối bình dân nên họ có thể sử dụng hàng ngày.

“Thực tế lợi nhuận từ việc bán các đồ uống này là không ít, đặc biệt vào những ngày nắng nóng cao điểm, tôi có thể bán gấp đôi, gấp ba ngày thường nên ai có nhu cầu tôi vẫn bán, chỉ là hạn chế bán cho những học sinh đang trong độ tuổi phát triển”, bà Lệ cho hay.

Không chỉ uống nước giải khát, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay nhiều người trẻ cũng rất yêu thích sử dụng trà sữa, nước ép hoa quả. Thậm chí có những người trẻ làm công việc văn phòng hàng ngày phải chi một khoản cho việc uống trà sữa, nước ép…

Hiểu đúng về đồ uống có đường

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm, đường tự nhiên có trong mật ong, sirô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc).

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn (National technical regulation for soft drinks) QCVN 6-2:2010/BYT của Việt Nam, nước ngọt (đồ uống có đường) là sản phẩm được pha chế từ nước với các chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp, có thể bao gồm CO2. Đồ uống có đường là đồ uống có chứa đường tự do - nước ngọt có ga hoặc không ga, nước ép rau quả hoặc dạng cô đặc/dạng bột, nước có hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà uống liền, cà phê uống liền và sữa có thêm đường.

Số liệu của WHO chỉ rõ, trong 10 năm qua, ở Việt Nam, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, mỗi người tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần.

WHO khuyến nghị việc tiêu thụ đường tự do nên được giới hạn ở mức dưới 10% tổng năng lượng và lý tưởng là dưới 5%. Đó là khoảng 25 gram mỗi ngày cho một người trưởng thành và dưới 12 - 25 gram mỗi ngày với trẻ em.

Vậy việc sử dụng đồ uống có đường sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào?

Mời quý độc giả đón đọc Bài 2: Chuyên gia chỉ những hệ lụy từ đồ uống có đường

Hoàng Bích – Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/muon-van-ly-do-nguoi-tieu-dung-me-do-uong-co-duong-a671347.html