Dịch Covid-19: Các nước Mỹ Latinh ban bố lệnh phong tỏa trên diện rộng
Trong vòng 12 giờ qua, số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn thế giới đã tăng thêm 4.282 người, 332 trường hợp tử vong. Dịch Covid-19 đã lây lan tới 162 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số bệnh nhân là 186.665 ca, 7.467 người tử vong.
Tây Ban Nha tiến hành phun thuốc khử trùng tại các sân bay.
Châu Mỹ
Ngày 17-3, Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm bảo vệ người dân trước dịch Covid-19. Tổng thống Alvarado cho biết, quốc gia này đang ở giai đoạn 2 của mức cảnh báo vàng (cấp độ phòng ngừa) và sắc lệnh trên trao quyền cho chính phủ thực hiện các hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Theo đó, tất cả trường học và trung tâm đào tạo các cấp sẽ tạm đóng cửa từ ngày 17-3 đến 13-4. Ngoài ra, kể từ 23h59 (giờ địa phương) ngày 18-3 đến 23h59 ngày 12-4, chỉ có công dân Costa Rica và người nước ngoài cư trú tại Costa Rica mới được phép nhập cảnh. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều phải cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày.
Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo mở rộng phạm vi cách ly trên cả nước sau khi ghi nhận thêm 16 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này lên 33. Tổng thống Maduro cho rằng, lệnh cách ly trên cả nước, cộng với việc đóng cửa biên giới, là cách hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh. Ông cũng cho biết thêm, Venezuela sẽ tiếp nhận một lô hàng viện trợ từ Trung Quốc gồm các thiết bị y tế và dụng cụ xét nghiệm. Ngoài ra, Chính phủ Venezuela đã tổ chức một cuộc họp phối hợp với chính quyền quốc gia láng giềng Colombia, thông qua trung gian là Tổ chức Y tế liên Mỹ (OPS), để thảo luận các biện pháp chung nhằm ứng phó với Covid-19.
Tại Mexico, Bộ Y tế thông báo, trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 29 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm Covid-19 lên 82 người và 171 ca nghi ngờ nhiễm bệnh. Thứ trưởng Y tế Hugo López Gatell cảnh báo, trong vòng 10 ngày tới, vi rút SARS-CoV-2 sẽ chuyển sang giai đoạn lây lan cộng đồng tại nước này và số ca bệnh có thể sẽ tăng lên hàng trăm người.
Châu Á
Chiều 17-3, Malaysia thông báo ca tử vong đầu tiên do nhiễm Covid-19. Bệnh nhân 60 tuổi, là một mục sư của nhà thờ Tin lành Emmanuel ở bang Sarawak. Chính quyền bang Sarawak thông tin, đã cách ly tại nhà 193 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân. Hiện, quốc gia Đông Nam Á này có tổng cộng 673 ca nhiễm SARS-CoV-2, cao nhất trong số các nước ASEAN. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nước này đã thông báo hoãn một loạt hội nghị của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới.
Cùng ngày, tại Thái Lan, Bộ Y tế thông báo xác nhận thêm 30 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, nâng số ca nhiễm tại nước này lên 177 người. Trong đó, 11 bệnh nhân có liên quan đến một nhóm cổ động viên môn quyền Anh có kết quả dương tính với Covid-19. Bộ Y tế nước này cảnh báo có thể có thêm các ca nhiễm mới, từ 30 đến 50 ca mỗi ngày trong thời gian tháng 4.
Trong một động thái mới, giới chức Iran đã yêu cầu đóng cửa tất cả các đền thờ Hồi giáo dòng Shiite tại các thành phố tôn giáo Mashhad, Qom và Shahr-e-Rey trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh tại quốc gia này. Tới nay, tổng cộng 16.169 người Iran nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 988 ca tử vong.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo nước này tiếp tục lùi thời gian khai giảng năm học mới thêm 2 tuần, từ ngày 23-3 sang ngày 6-4. Đây là lần thứ ba Chính phủ Hàn Quốc lùi thời gian khai giảng năm học 2020 do dịch Covid-19. Tính đến cuối ngày 17-3, số ca nhiễm Covid-19 tại Hàn Quốc đã lên tới 8.320 ca, trong đó có 81 người tử vong. Tại cuộc họp nội các cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, sẽ trực tiếp chủ trì cuộc họp kinh tế khẩn cấp để ra quyết định về các biện pháp, đối sách nhanh chóng và quyết liệt. Theo ông Moon Jae-in, tình hình hiện nay đòi hỏi những đối sách chưa từng có tiền lệ, không bị ràng buộc bởi bất cứ giới hạn nào.
Châu Âu
Sau Italia, Tây Ban Nha đang trở thành ổ dịch đáng lo ngại tại châu lục này. Chỉ trong vòng 12 giờ qua, số ca nhiễm tại quê hương của những chú bò tót đã tăng thêm 1.236 người, số ca tử vong cũng tăng thêm 149 trường hợp. Như vậy, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha là 11.178 ca, trong đó 491 người đã tử vong.
Trước diễn biến dịch bệnh lây lan, nhiều nước châu Âu tiếp tục thực thi các biện pháp ngăn chặn. Chính phủ Pháp có kế hoạch huy động hơn 100.000 cảnh sát tại các chốt cố định và di động trên các trục đường quốc lộ và liên tỉnh nhằm kiểm tra việc thực hiện hạn chế di chuyển. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castener nêu rõ, bất kỳ ai ra đường sẽ phải mang theo bản khai về mục đích di chuyển, trong khi những người đi làm nhiệm vụ phải xuất trình thẻ hành nghề. Những trường hợp di chuyển không hợp lệ sẽ phải nộp khoản tiền phạt 135 euro (150 USD).
Cùng ngày, Chính phủ Thụy Sĩ đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài đến ngày 19-4 nhằm đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch. Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ đã phê chuẩn việc triển khai 8.000 quân nhân để hỗ trợ cho bệnh viện, hậu cần và an ninh.
Còn tại Ukraine, chính phủ nước này đã quyết định tạm ngừng các hoạt động giao thông công cộng, đóng cửa các quán bar, nhà hàng và trung tâm mua sắm. Các biện pháp hạn chế đi lại trong nước, trong đó có việc đóng cửa hoàn toàn 3 hệ thống tàu điện ngầm trên toàn Ukraine; cấm tổ chức các sự kiện có trên 10 người tham gia cũng được ban hành. Ngoài ra, kể từ ngày 17-3, tất cả các chuyến bay đến và đi từ Ukraine sẽ bị đình chỉ.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bác bỏ khả năng phong tỏa toàn bộ đất nước, biện pháp mà nhiều quốc gia châu Âu khác đang áp dụng. Theo Thủ tướng Rutte, Hà Lan muốn tạo ra "miễn dịch cộng đồng" trong khi chờ đợi vắc-xin. "Miễn dịch cộng đồng" hình thành khi một tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người bị nhiễm.