Dịch Covid-19 căng thẳng, các tỉnh đông du khách ứng phó ra sao?

Yêu cầu khách đeo khẩu trang khi xuống bãi tắm, xử nghiêm người không tuân thủ biện pháp phòng dịch, hạn chế tổ chức hội... là các biện pháp được nhiều địa phương áp dụng.

Ca mắc Covid-19 tại Hà Nam được phát hiện ngay trước thời điểm người dân cả nước bước vào dịp nghỉ lễ nhân dịp 30/4-1/5. Sau ca nhiễm này, các tỉnh, thành trên cả nước liên tục phát hiện trường hợp F0, F1, F2. Đây trở thành chuỗi lây nhiễm nguy cơ cao trên cả nước.

Dù đã dự báo lượng khách du lịch tăng vọt và chuẩn bị các biện pháp ứng phó, một số tỉnh, thành vẫn không kịp trở tay trước lượng khách tăng chóng mặt. Nhiều tuyến đường huyết mạch ùn tắc nhiều giờ, các bãi biển đông nghịt khách du lịch tụ tập.

Trước nghỉ lễ, hàng loạt tỉnh, thành đã quyết định hủy bỏ việc bắn pháo hoa đêm 30/4. Tiếp đó, khi có thông tin về ca mắc mới, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh, thành khác ra văn bản hủy toàn bộ các hoạt động lễ hội, kích cầu du lịch và đóng cửa quán karaoke, vũ trường để phòng chống dịch Covid-19.

Không tụ tập quá 20 người, đeo khẩu trang trên bãi tắm

Tại Hạ Long, ngày đầu nghỉ lễ (30/4) đã có hơn 75.000 du khách tới thành phố, trong đó, khoảng 11.000 người tham quan vịnh Hạ Long.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh đã chỉ đạo từ 15h ngày 1/5, chủ tịch UBND các địa phương không để tập trung đông người tại các bãi tắm, đảm bảo khoảng cách để phòng chống dịch Covid-19.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó chủ tịch phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, cho biết phường đã thông báo qua hệ thống loa truyền thanh, yêu cầu người dân không tụ tập quá 20 người tại một địa điểm trên khu vực bãi tắm. Đồng thời, người dân cũng được yêu cầu đeo khẩu trang trong quá trình di chuyển tham quan tại Khu du lịch Bãi Cháy.

 Khách du lịch dày đặc tại bãi biển Vũng Tàu ngày nghỉ lễ. Lãnh đạo địa phương sau đó phải ra văn bản, yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

Khách du lịch dày đặc tại bãi biển Vũng Tàu ngày nghỉ lễ. Lãnh đạo địa phương sau đó phải ra văn bản, yêu cầu áp dụng các biện pháp phòng dịch. Ảnh: Duy Hiệu.

Tương tự, tại Vũng Tàu, Phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Nguyễn Thị Thu Hương cho biết từ 15h ngày 1/5, lực lượng chức năng bắt đầu kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt du khách tắm biển xong nhưng không đeo khẩu trang. Khách không có khẩu trang cũng được phát miễn phí trước khi xuống biển.

Trong khi Vũng Tàu tập trung tăng cường nhắc nhở, tại Lâm Đồng, từ 28 đến 30/4, lực lượng chức năng đã xử phạt hàng trăm người dân, du khách không chấp hành việc đeo khẩu trang. Mức phạt được quy định là 1 triệu đồng/người. Những người chống đối bị phạt tới 2 triệu đồng.

Chỉ trong 2 ngày 30/4-1/5, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã đón khoảng 60.000 lượt khách, 80% nhà nghỉ, khách sạn đều kín chỗ. UBND tỉnh thậm chí phải ký công văn hỏa tốc đề nghị người dân hạn chế sử dụng ôtô cá nhân để tránh ùn tắc.

Trước lượng khách tăng vọt, trong suốt kỳ nghỉ lễ, từ 5h30 hàng ngày, toàn bộ 16 xã, phường ở TP Đà Lạt đều ra quân tuyên truyền, lập chốt xử phạt người không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thường xuyên kiểm tra các cơ sở lưu trú để hướng dẫn các đơn vị này kê khai đúng lịch trình của du khách. Còn Sở Giao thông Vận tải tỉnh bắt buộc các nhà xe thống kê danh sách hành khách và yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển.

Hạn chế tổ chức nhiều lễ hội, tăng cường giám sát

Tại Khánh Hòa, trước kỳ nghỉ lễ, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã dự báo số lượng khách du lịch sẽ tăng mạnh, khoảng 70.000 lượt, tập trung đông tại Vinpearl, khu vực Bãi Dài và các khách sạn ven biển Nha Trang.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phải phân công các thành viên thường xuyên đi kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở sản xuất lớn, bến xe, sân bay và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Ninh cũng yêu cầu không tổ chức phần hội tại lễ hội Tháp Bà Ponagar, chỉ tổ chức phần nghi lễ để phục vụ người dân và du khách đến tham quan, dâng hương nhưng phải bảo đảm tuân thủ nghiêm các yêu cầu của công tác phòng, chống dịch.

Tại Đà Nẵng, theo Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP Đà Nẵng, trong ngày 30/4, gần 14.000 khách đến các bãi biển Đà Nẵng. Sở Văn hóa Thể thao đã yêu cầu tạm dừng các sự kiện văn hóa, thể thao trong lễ 30/4-1/5 để phòng, chống dịch.

Sở Công Thương cũng yêu cầu tất cả khách hàng, hộ kinh doanh, người quản lý, người lao động phải đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước sát khuẩn trước khi vào các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi; giữ khoảng cách an toàn giữa người với người.

 Chính phủ yêu cầu người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách. Ảnh: Duy Hiệu.

Chính phủ yêu cầu người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách. Ảnh: Duy Hiệu.

Còn tại Thanh Hóa, đến nay đã ghi nhận 16 trường hợp F1 liên quan ca mắc Covid-19 tính từ 29/4 đến 1/5 (tất cả đều âm tính lần 1 với SARs-CoV-2). Dù tỉnh phát hiện nhiều F1, F2, lượng khách du lịch đổ về TP Sầm Sơn trong ngày nghỉ lễ vẫn rất đông.

TP Sầm Sơn đã thành lập 7 tổ giám sát y tế phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở lưu trú và lưu động; 4 điểm giám sát trên trục đường ven biển Hồ Xuân Hương; ngoài ra, TP có 5 điểm phát khẩu trang miễn phí, dung dịch rửa tay sát khuẩn cho du khách và người dân.

Tại Hải Phòng, từ 0h ngày 1/5, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu như vũ trường, karaoke, xông hơi, massage, quán bar, pub, game, Internet phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. Người dân thành phố Hải Phòng bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà.

Sau hơn một tháng không xuất hiện ca mắc trong cộng đồng, ngày 29/4, Việt Nam ghi nhận chùm ca bệnh mới trong cộng đồng liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hà Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, TP.HCM và các địa phương phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh chủ động, sẵn sàng nhân lực và cơ sở vật chất thực hiện phương châm 4 tại chỗ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phòng chống dịch khẩn trương, kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra gián đoạn. Các địa phương khác thực hiện yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và thực hiện nghiêm yêu cầu 5K của Bộ Y tế.

Trong cuộc họp ngày 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch Covid-19, chấn chỉnh ngay các biểu hiện chủ quan, lơ là, “xả hơi”, xử lý ngay mọi vi phạm.

Dùng loa nhắc từng người đeo khẩu trang tắm biển ở Vũng Tàu Lực lượng chức năng TP Vũng Tàu lập các điểm kiểm tra y tế, dùng loa đi dọc bờ Bãi Sau nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, không tụ tập đông đúc khi tắm biển.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-covid-19-cang-thang-cac-tinh-dong-du-khach-ung-pho-ra-sao-post1210586.html