Dịch COVID-19 căng thẳng tại Ấn Độ - mối lo về nguồn vaccine ở châu Phi
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Ấn Độ đang khiến nhiều nước châu Phi hết sức lo lắng.
Theo giới chuyên gia, được mệnh danh là "hiệu thuốc của thế giới", Ấn Độ đồng thời là nguồn cung vaccine AstraZeneca lớn nhất cho chương trình COVAX - một sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối vaccine cho các nước nghèo. Trong khi đó, châu Phi là khu vực đang phụ thuộc phần lớn nguồn vaccine ngừa COVID-19 từ cơ chế này.
Hiện quốc gia 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận hơn 22 triệu ca mắc COVID-19, với số ca nhiễm mới liên tiếp trên 400.000 ca/ngày trong những ngày qua, trong khi số ca tử vong hiện cũng lên tới gần 250.000 ca. Đối phó với làn sóng dịch bệnh trong nước, cuối tháng 3 vừa qua, sau khi xuất khẩu hơn 60 triệu liều vaccine AstraZeneca, Ấn Độ bất ngờ thông báo ngừng cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa nguồn cung vaccine cho các châu Phi sẽ thiếu hụt trong dài hạn và chính phủ các nước này có lý do để lo ngại.
Ngày 8/5, bộ trưởng y tế các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến khẩn cấp để thảo luận về tình trạng thiếu hụt vaccine. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, chuyên gia nghiên cứu về virus người Cameroon, ông John Nkengasong bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu vaccine do tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ. Ông nói: "Chúng tôi đang hy vọng rằng sẽ nhận được nguồn cung vaccine liên tục từ Ấn Độ thông qua cơ chế COVAX, nhưng trước tình hình nghiêm trọng tại Ấn Độ, chúng tôi không kỳ vọng sẽ sớm nhận được nguồn vaccine tại quốc gia này".
Trong số tất cả các lục địa, cho đến nay, châu Phi là khu vực chịu tác động ít nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số ca mắc là 4,6 triệu ca, trong đó hơn 124.000 ca tử vong. Tuy nhiên, một lục địa với rất nhiều thành phố quá tải về dân số, trong đó các khu ổ chuột vốn được coi là "nơi sinh sản của virus" và cơ sở hạ tầng y tế yếu kém - những yếu tố tương đồng như Ấn Độ, kịch bản khủng hoảng dịch bệnh và y tế là khó tránh khỏi.
Theo WHO, cho đến nay, châu Phi mới nhận được 19,6 triệu liều vaccine, chỉ chiếm khoảng 2% tổng số vaccine toàn cầu, trong khi 80% số vaccine toàn cầu đến các nước giàu.
Thiếu phương tiện để sản xuất hàng loạt vaccine của riêng mình, cho đến nay, các nước châu Phi chỉ trông chờ vào cơ chế COVAX hoặc thị trường mở. Nhóm đặc nhiệm thu mua vaccine của Liên minh châu Phi (AVATT) hy vọng sẽ mua được một số vaccine thông qua chương trình của riêng mình vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới.