Dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tới kế hoạch sáp nhập PSA-Fiat Chrysler
Do dịch bệnh COVID-19, PSA và Fiat Chrysler hiện không còn đủ sự tự tin như 1 tháng trước đây về triển vọng thu nhập, doanh số, thị phần và các kế hoạch phát triển sản phẩm.
Theo các nguồn tin thân cận, ngoài những ảnh hưởng tài chính nghiêm trọng, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện đang gây ra những quan ngại về vụ sáp nhập dự kiến diễn ra trong thời gian tới giữa hai hãng chế tạo ôtô PSA Group (Pháp) và Fiat Chrysler (liên doanh giữa Italy và Mỹ).
Vụ sáp nhập trên được thông báo hồi cuối tháng 10/2019 với thời hạn hoàn tất muộn nhất là vào đầu năm 2021. Nếu được thực hiện, vụ sáp nhập này sẽ tạo ra tập đoàn chế tạo ôtô lớn thứ tư thế giới, sở hữu một loạt thương hiệu xe nổi tiếng như Peugeot, Citroen, Jeep, Alfa Romeo và Maserati.
Hiện công tác chuẩn bị cho vụ sáp nhập vẫn đang diễn ra khẩn trương để có thể sớm nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý về chống độc quyền. Trong khi đó, các kiểm toán viên và nhà tư vấn tài chính đang thực hiện các thủ tục giấy tờ theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ.
Tuy vậy, dịch bệnh COVID-19 đã khiến các thị trường trên thế giới "lao dốc" khi đẩy kinh tế rơi vào suy thoái, nhiều nhà máy sản xuất ôtô ở châu Âu và Mỹ phải ngừng hoạt động. Điều này đã gây ra những quan ngại về vấn đề tài chính của vụ sáp nhập này.
Chuyên gia Karl Brauer của công ty chuyên đánh giá thị trường xe hơi Kelley Blue Book cho rằng, các giả định về giá trị doanh nghiệp, thu nhập và doanh số dự kiến trong năm 2020 và sau đó của hai hãng xe nói trên sẽ phải được được đánh giá lại. Theo chuyên gia này, PSA và Fiat Chrysler hiện không còn đủ sự tự tin như 1 tháng trước đây về triển vọng thu nhập, doanh số, thị phần và các kế hoạch phát triển sản phẩm.
Trước đó, ngày 24/3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo “tất cả công ty, đặc biệt là doanh nghiệp lớn nhất, cần thận trọng tối đa trong vấn đề chi trả cổ tức". Ông Bruno Le Maire cho rằng giờ là lúc phải huy động tất cả nguồn tài chính để duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh, đặc biệt nếu các doanh nghiệp đang tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ.
Trước những dự báo về 14 triệu việc làm ở châu Âu đang có nguy cơ “biến mất”, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA) tuần qua đã kêu gọi các nước hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp ôtô châu Âu để đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử.
Bộ Kinh tế Pháp - một cổ đông gián tiếp trong PSA thông qua quỹ tài sản quốc gia BPIFrance với 12,2% cổ phần - không đưa ra bình luận về vấn đề trên. Trong khi đó, một người phát ngôn của PSA cho hay kế hoạch sáp nhập vẫn không thay đổi, trong khi Fiat Chrysler không có bất kỳ bình luận nào./.