Dịch Covid-19 đảo chiều tích cực
Trong lúc số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại Mỹ vừa đạt cột mốc buồn 500.000 hôm 22-2, tình hình dịch bệnh tại nước này nói riêng và trên thế giới lại có những dấu hiệu tích cực.
Chỉ mới cách đây 1 tháng, bức tranh Covid-19 toàn cầu còn rất u ám với hơn 750.000 ca mới một ngày và các biến thể mới được tìm thấy tại Anh, Brazil, Nam Phi đe dọa phần còn lại của thế giới.
Thế rồi số ca mắc mới lại giảm đáng kể trong tháng qua, một phần nhờ tình hình được cải thiện tại một số điểm nóng. Dĩ nhiên là dữ liệu về số ca mắc mới không thực sự phản ánh chính xác thực trạng dịch bệnh do việc xét nghiệm và thống kê không được làm tốt ở mọi quốc gia, nhất là tại châu Phi, Nam Á…
Dù vậy, sự sụt giảm của số người nhập viện vì Covid-19 tại các nước có tỉ lệ mắc cao nhất khiến nhiều chuyên gia tin rằng dịch bệnh quả thật đã bớt nghiêm trọng. "Chúng ta nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm nhưng nó vẫn là một đường hầm dài" - bà Wafaa El-Sadr, chuyên gia tại Trường ĐH Columbia (Mỹ), nhận định.
Theo kết quả phân tích được báo The New York Times (Mỹ) đăng tải hôm 22-2, số ca mắc mới đã giảm đáng kể (40%-86%) tại 28 nước trong 28 ngày trước đó. Đáng chú ý, con số này ở Mỹ là 62%, Anh 70%, Nam Phi 84%, Tây Ban Nha 69%... Ngoài ra, 17 nước ghi nhận số ca mới giảm 11%-39% và 23 nước có số ca mới tăng.
Một số chuyên gia giải thích sự sụt giảm nói trên là nhờ một số yếu tố như tuân thủ giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, tính chất hoạt động theo mùa của virus và khả năng miễn dịch tự nhiên tăng dần trong những nhóm người có tỉ lệ lây nhiễm cao hiện nay.
Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng sụt giảm của số ca Covid-19 mới có được duy trì lâu dài hay không? Trong bối cảnh nỗ lực tiêm chủng Covid-19 đang được đẩy nhanh trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết 130 nước vẫn chưa bắt đầu tiến hành tiêm vắc-xin tính đến đầu tháng 2, khiến nỗ lực khống chế dịch bệnh tại các quốc gia này gặp thêm nhiều thách thức. Tổng Giám đốc WHO Tedros
A. Ghebreyesus hôm 22-2 chỉ trích việc các nước giàu đang tích trữ vắc-xin Covid-19, từ đó cản trở nhiều nước nghèo có được chúng. Theo ông Ghebreyesus, việc một số nước giàu ký thỏa thuận trực tiếp với các nhà sản xuất khiến lượng vắc-xin Covid-19 dành cho cơ chế COVAX (ra đời nhằm bảo đảm quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc-xin Covid-19) bị suy giảm.
Chỉ trích trên được đưa ra không lâu sau khi tổ chức phi chính phủ ONE Campaign (Mỹ) cho biết các nước giàu trên thế giới đang trên đường dự trữ lượng vắc-xin Covid-19 nhiều hơn 1 tỉ liều so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, theo tổ chức này, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Úc, Canada và Nhật Bản đã mua hơn 3 tỉ liều vắc-xin, so với mức 2,06 tỉ liều cần để tiêm chủng 2 mũi cho toàn bộ người dân.
Vì thế, ông Tedros thúc giục các nước giàu trước khi đặt mua thêm vắc-xin Covid-19 nên kiểm tra xem liệu động thái này có cản trở nỗ lực đưa vắc-xin đến với nước nghèo hay không. Ngoài ra, theo Reuters, WHO còn thúc giục các nước có vắc-xin không nên chia sẻ đơn phương mà quyên tặng cho cơ chế COVAX để bảo đảm công bằng. Lô vắc-xin Covid-19 đầu tiên trong khuôn khổ COVAX dự kiến được phân phối trong giai đoạn từ cuối tháng 2 đến cuối tháng 6-2021.
Thêm những kết quả hứa hẹn của vắc-xin Covid-19
Dữ liệu từ 2 cuộc nghiên cứu mới ở Vương quốc Anh cho thấy 2 loại vắc-xin Covid-19 có hiệu quả trong việc giảm lây nhiễm và khỏi phải nhập viện từ mũi đầu tiên.
Cuộc nghiên cứu đầu tiên được tiến hành đối với nhân viên y tế dưới 65 tuổi, được tiêm vắc-xin của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức). Theo Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) hôm 22-2, nguy cơ lây nhiễm đã giảm hơn 72% 3 tuần sau khi tiêm mũi đầu tiên và giảm tới 85% sau khi tiêm mũi thứ 2.
Chưa hết, vắc-xin này còn có hiệu quả chống lại biến thể dễ lây lan tại Anh.
Trong khi đó, cuộc nghiên cứu tại Scotland cho thấy cả vắc-xin của Trường ĐH Oxford (Anh) và đối tác AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) cùng với Pfizer-BioNTech đều giúp giảm số trường hợp nhập viện sau mũi tiêm đầu tiên. Cuộc nghiên cứu do Trường ĐH Edinburgh tiến hành này đã so sánh những trường hợp nhập viện của người được tiêm mũi đầu tiên và những người không được tiêm vắc-xin. Theo đài CNN, kết quả cho thấy ở tuần thứ 4 sau khi được tiêm mũi Pfizer-BioNTech đầu tiên, nguy cơ nhập viện đã giảm đến 85%. Với vắc-xin của Oxford-AstraZeneca, con số này là 94%. Đối với người từ 80 tuổi trở lên, một trong những nhóm có nguy cơ cao nhất, việc tiêm chủng giúp giảm 81% nguy cơ nhập viện trong tuần thứ 4 sau khi tiêm, dựa trên kết quả của cả 2 loại vắc-xin nói trên.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhận định kết quả trên cho thấy các loại vắc-xin đang chứng tỏ hiệu quả trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.
Anh là nước đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng hồi tháng 12-2020 và hơn 17 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi cho đến nay, tương đương 1/3 dân số trưởng thành ở nước này. Anh cũng là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 với hơn 120.000 người tử vong.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dich-covid-19-dao-chieu-tich-cuc-20210223213933062.htm