Dịch COVID-19: Đẩy mạnh kiểm soát thị trường, ngăn đầu cơ trục lợi
Cục Quản lý thị trường yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi găm hàng, nâng giá trục lợi các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch, hàng hóa vi phạm chất lượng...
Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều gian thương đã đẩy mạnh các hành vi gian lận, găm hàng nâng giá bất hợp lý để trục lợi.
Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, bình ổn thị trường, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tránh đầu cơ nâng giá bất hợp lý, bán hàng không niêm yết giá, trong đó tập trung vào các mặt hàng như khẩu trang, cồn, nước rửa tay sát khuẩn, thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch…
Tập trung vào các mặt hàng phòng dịch
Sáng 20/5, Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại sảnh số 1, tòa nhà Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân), phát hiện và thu giữ 300 chai loại 500ml nước sát khuẩn tay mang nhãn hiệu ASIRUB (đóng trong 15 thùng).
Trên bao bì có ghi công dụng là “chế phẩm sát khuẩn tay nhanh dùng trong gia dụng và y tế.” Đặc biệt, trên vỏ chai có dán “xác thực chống hàng giả” với các mã số, tem, vạch đầy đủ.
Lực lượng chức năng đã liên lạc với đại diện đăng ký và phân phối nhãn hiệu ASIRUB và xác định sản phẩm bị thu giữ có dấu hiệu giả mạo chỉ dẫn tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa, giả mạo mã số đăng ký lưu hành của công ty.
Làm việc với Đội Quản lý thị trường số 14, đối tượng vi phạm khai nhận toàn bộ số hàng hóa được nhập về để đóng gói và chuyển đi tiêu thụ tại các tỉnh.
Trước đó, ngày gày 28/4, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện 1 cơ sở tại quận Cầu Giấy đang bày bán khẩu trang gắn nhãn hiệu GUCCI và PUMA, tất cả đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, do vậy lực lượng này đã thu giữ để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ những vụ việc điển hình trên cho thấy hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, cách thức hoạt động cũng ngày càng tinh vi.
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các sản phẩm như nước sát khuẩn tay, khẩu trang… là những mặt hàng rất dễ bị lợi dụng để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
“Người tiêu dùng phải hết sức cẩn trọng, tốt nhất nên chọn mua ở địa chỉ tin cậy,” ông Chu Văn Kiên khuyến cáo.
Tăng cường kiểm soát
Theo Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389/TP), dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, mua sắm của người dân trên địa bàn Thủ đô.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tình hình cung-cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường thành phố vẫn giữ ổn định, giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn.
Trong đó, hệ thống siêu thị tại Hà Nội đã chủ động các phương án luôn sẵn sàng phương án dự trữ hàng hóa, với lượng hàng nhu yếu phẩm tăng từ 30-50%.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết thêm thời gian qua các Đội Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát địa bàn. Do đó, đa số các cơ sở kinh doanh đều có ý thức chấp hành quy định pháp luật.
Tuy nhiên, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nổi lên là tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa phòng, chống dịch, hàng cấm; kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ...
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Công văn hỏa tốc số 371/QLTTHN-NVTH yêu cầu các phòng, đội trưởng các đội quản lý thị trường tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Lãnh đạo Cục giao các Đội chủ động nắm bắt diễn biến tình hình thị trường, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chấp hành quy định của thành phố về yêu cầu tạm dừng hoạt động để hạn chế lây lan dịch COVID-19, lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, các hành vi găm hàng, nâng giá trục lợi đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch, hàng hóa vi phạm chất lượng...
“Lực lượng quản lý thị trường cũng đã tăng cường kiểm tra giám sát tại các chợ, siêu thị. Nếu có tình trạng găm hàng, tăng giá sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm,” lãnh đạo Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh./.