Dịch Covid-19, doanh nghiệp ngành dệt may khó duy trì được sản xuất
Khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, trong tháng 4 sẽ có khoảng 30% lao động trong ngành dệt may thiếu việc làm và tháng 5 sẽ lên tới hơn 50%.
Theo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ngay trong tháng 4 sẽ có hơn 30% lao động của ngành thiếu việc làm. Trong các tháng tiếp theo, tháng 5 và tháng 6 việc cam kết nhận hàng của các khách hàng chưa rõ ràng nên có thể số lao động sẽ gặp khó khăn lên tới hơn 50%. Điều này đang tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp và bài toán hỗ trợ của chính sách đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Để hạn chế khó khăn, giảm tổn thất, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã đưa ra giải pháp cho các đơn vị thành viên nhằm chủ động tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch, như: khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt… Đồng thời, các đơn vị áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm, làm việc luân phiên để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam mong muốn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa vào thực thi.
“Lúc này doanh nghiệp đều không có dòng tiền về để thanh toán khoản chi trong nước, do vậy, việc Chính phủ đã có những quyết định trong việc dừng đóng bảo hiểm xã hội, thất nghiệp, công đoàn phí, cũng như chính sách có thể cho vay để trả lương tối thiểu cho người lao động trong khi bị dừng việc, nghỉ việc, đối với các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp đông lao động như ngành dệt may thì đây là gói hỗ trợ hết sức cấp bách. Chúng tôi mong muốn các chính sách này nhanh chóng được đi vào thực hiện.
Đối với doanh nghiệp hiện nay, từng tuần từng ngày đều rất nóng, với các vấn đề về lao động và tiền lương. Trong khi nếu chưa có chỉ đạo đến tận cơ sở thì việc tiếp tục phải thu các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay công đoàn phí vẫn diễn ra, đây là khó khăn cho doanh nghiệp trong điều kiện dòng tiền hạn chế” - ông Trường nói./.