Dịch COVID-19: Hàng loạt quốc gia trong tình trạng cảnh báo cao độ

Bệnh nhân COVID-19 được hỗ trợ thở oxy tại Indirapuram, Ấn Độ, ngày 7/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kế worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 9/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 158.302.232 ca COVID-19, trong đó có 3.295.975 ca tử vong. Hơn 135,713 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi còn hơn 19,293 triệu bệnh nhân vẫn đang được điều trị.

Hiện, Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 33,45 triệu ca mắc và hơn 595.500 ca tử vong.

Tiếp đến là Ấn Độ với hơn 22,29 triệu ca mắc và hơn 242.300 ca tử vong. Mỗi ngày, quốc gia hiện đang là tâm dịch bệnh thế giới này vẫn ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới.

Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, kéo theo tình trạng quá tải thiết bị y tế, giới chức Ấn Độ đang nỗ lực nghiên cứu và cấp phép các loại thuốc có thể sử dụng trong điều trị bệnh.

Tổng cục Quản lý dược phẩm Ấn Độ (DCGI) đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc 2-deoxy-D-glucose (2-DG) cho Tổ chức Nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) của nước này để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận: "Các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy hợp chất (2-DG) giúp các bệnh nhân phải nằm viện phục hồi nhanh hơn và giảm tình trạng phụ thuộc vào nguồn oxy bổ sung… Loại thuốc này sẽ mang lại lợi ích lớn cho những người mắc COVID-19".

2-DG được sản xuất dưới dạng bột đóng gói và dùng để uống bằng cách pha vào nước. Tình hình dịch bệnh tại các quốc gia láng giềng của Ấn Độ cũng đang trong tình trạng cảnh báo cao độ.

Trung tâm Khoa học hóa học và sinh học quốc tế Pakistan (ICCBS), thuộc Đại học Karachi, xác nhận biến thể virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện ở Anh (B.1.1.7) hiện gây ra tới 70% tổng số ca COVID-19 ở quốc gia Nam Á này. Hồi tháng 1/2021, tỉ lệ này chỉ là 2%.

Cũng theo ông Chaudhry, virus SARS-CoV-2 biến thể Ấn Độ (B.1.617), vốn gây ra tình trạng gia tăng đột biến số ca COVID-19 ở Ấn Độ trong những tuần gần đây, chưa được phát hiện ở Pakistan, bởi nước này chưa có bộ kit xét nghiệm cần thiết.

Tại châu Âu, ngày 8/5, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 18.052 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại quốc gia này lên là 5.016.141 ca.

Tổng số ca tử vong vì dịch bệnh cũng tăng lên mức 42.746 ca, cao hơn 281 ca so với một ngày trước đó. Hiện, hơn 4,9 triệu bệnh nhân COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã hồi phục và xuất viện, hơn 49,19 triệu người được xét nghiệm COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát tháng 3/2020.

Quốc gia này triển khai tiêm chủng đại trà từ ngày 14/2 và tới nay đã tiêm được cho hơn 14,56 triệu người.

Tại châu Mỹ, ngày 8/5, Cuba ghi nhận ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới vượt mức 1.000 ca/ngày.

Cụ thể, với 1.036 ca mắc mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc bệnh tại Cuba đã lên mức 114.912 ca, trong đó có 722 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới có 1.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Quốc gia này đang đối mặt với một làn sóng dịch bệnh mới, khiến giới chức phải yêu cầu tạm dừng hoạt động tại các không gian công cộng, cho học sinh nghỉ học và áp dụng các biện pháp hạn chế tiếp nhận du khách nước ngoài.

Tại châu Phi, tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tính đến ngày 8/5 đã lên mức 4.618.936. Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại châu lục cũng đang ở mức 123.926 ca, số bệnh nhân COVID-19 hồi phục là 4.165.656 người. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là những quốc gia có số ca mắc bệnh nhiều nhất.

* Ngày 8/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc Chính phủ Mỹ dỡ bỏ hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu vắc xin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các thành phần của vắc xin này.

Phát biểu tại họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) ở Bồ Đào Nha, Tổng thống Macron cho rằng các quốc gia giàu có phải mở rộng năng lực vắc xin của họ để giúp các nước kém phát triển hơn.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết EU sẵn sàng thảo luận về ý tưởng của Mỹ nhằm loại bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19, tuy nhiên cũng khẳng định rằng giải pháp nhanh nhất để tăng cường phân phối vắc xin trên toàn cầu là xuất khẩu và EU khuyến khích "tất cả các bên tạo điều kiện cho xuất khẩu vắc xin".

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) ưu tiên đảm bảo việc tiếp cận công bằng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo tình trạng phân phối vắc xin không đồng đều giữa các nước giàu và nghèo sẽ không giúp "xóa sổ" đại dịch COVID-19.

Theo ông, tình trạng này "không thể chấp nhận được", không chỉ "vì vấn đề đạo đức, mà còn bởi chúng ta sẽ không đánh bại được virus SARS-CoV-2 trong một thế giới chia rẽ". Ông nhấn mạnh việc chia sẻ vắc xin là lợi ích của mỗi quốc gia trên thế giới.

Thống kê của hãng tin AFP (Pháp) cho thấy gần 1,25 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được tiêm tại ít nhất 210 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Khoảng 45% trong số đó đã được sử dụng tại những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vắc xin đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.

Trong khi đó, chương trình tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19 của WHO (ACT-A) vẫn còn thiếu 19 tỉ USD so với mục tiêu 22 tỉ USD trong năm nay. Ngoài ra, khoảng 35 tỉ đến 45 tỉ USD vẫn cần được huy động vào năm tới để đảm bảo hầu hết người trưởng thành trên khắp thế giới được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/255426/dich-covid-19--hang-loat-quoc-gia-trong-tinh-trang-canh-bao-cao-do.html