Dịch Covid-19 hoành hành, nhiều quốc gia đón năm mới không pháo hoa
Năm nay, do dịch Covid-19 hoành hành với việc biến chủng mới xuất hiện ở Anh, nhiều quốc gia đón năm 2021 trong lặng lẽ vì các lệnh phong tỏa và giới nghiêm. Do đó, nhiều bữa tiệc pháo hoa và ăn mừng bị hủy bỏ.
Tại Australia, tuy thành phố Sydney tổ chức bắn pháo hoa, nhưng thành phố đông dân thứ 2 là Melbourne đã hủy sự kiện này.
Tại Hong Kong, nhà chức trách hủy bắn pháo hoa vì ngại dịch bệnh.
Tại Hàn Quốc, chính phủ đã đóng cửa các bãi biển ở Gangueng – nơi người dân có truyền thống đón bình minh vào năm mới. Lễ rung chuông Bosingak của Seoul đã bị hủy lần đầu tiên kể từ năm 1953, nhưng bạn có thể xem từ xa qua trang web của thành phố.
Khi các ca mắc Covid-19 mới ở Tokyo của Nhật Bản cao mức kỷ lục với con số 1.300 ca, các lễ trong đêm giao thừa đã bị cắt giảm. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga kêu gọi mọi người đón năm mới một cách nhẹ nhàng và tránh những chuyến đi chơi xa.
Thành phố New York của Mỹ dự kiến sẽ tổ chức sự kiện giao thừa nhỏ hơn bình thường với việc công chúng bị cấm tham dự lễ kỷ niệm và sự kiện “thả bóng” nổi tiếng sẽ được truyền hình trực tiếp.
Tại châu Âu, tiệc mừng năm mới cũng bị hạn chế tối đa. Đức cấm người dân bắn pháo hoa trên đường phố như các năm khác và màn pháo hoa rực rỡ tại cổng Brandenburg của Berlin đã bị hủy.
Pháo hoa trên sông Thames ở London, Anh cũng không thể xúc tiến vì chính phủ kêu gọi mọi người tổ chức lễ hội tại nhà để ngăn số ca mắc Covid-19 tăng lên. Tuy nhiên, đồng hồ Big Ben sẽ phát 12 tiếng chuông vào nửa đêm để đánh dấu sự bắt đầu của năm mới và sự kết thúc quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Hà Lan đã chuyển sự kiện đếm ngược từ công viên Amsterdam sang sân vận động bóng đá, nơi khán giả không được phép vào và pháo hoa thật sẽ được thay thế bằng “pháo hoa điện”.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp cho biết, 100.000 cảnh sát sẽ được bổ sung để thực thi lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 7 giờ tối và không cho những đám đông trái phép quá 10 người tụ tập.
Tại Nga, các sự kiện công cộng bị cấm hoặc hạn chế ở nhiều vùng nhưng pháo hoa sẽ vẫn được bắn tại Quảng trường Đỏ của thủ đô và khắp thành phố.
Mặc dù các cuộc tụ tập đông người bị cấm và các nhà hàng, câu lạc bộ, sân trượt băng bị đóng cửa vào tối 31/12 nhưng chúng sẽ dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 1/1 khi người Nga có các lễ hội kéo dài cả tuần.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố lệnh phong tỏa 4 ngày kể từ đêm giao thừa và TT Erdogan cảnh báo lực lượng an ninh sẽ kiểm tra các khách sạn để tìm người vi phạm.