Dịch COVID-19: Làm tốt công tác cách ly giúp giảm tải hệ thống điều trị
Bên cạnh việc xét nghiệm và điều trị, công tác cách ly trong phòng, chống dịch COVID-19 là một mảng quan trọng, giúp khoanh vùng, chống lây nhiễm chéo, hạn chế số ca bệnh tăng cao. Phóng viên Sức khỏe & Đời sống đã gặp gỡ ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, phụ trách cách ly y tế và xử lý môi trường của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang để tìm hiểu rõ hơn về công tác này.
PV: Thưa ông, công tác cách ly có vai trò như thế nào trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang? Là người đã thực hiện nhiệm vụ này ở Hải Dương trong đợt dịch trước, theo ông có gì khó khăn và khác biệt trong việc duy trì, vận hành những khu cách ly (KCL) ở Bắc Giang?
Ông Dương Chí Nam: Sau khi lọc ra các ca F0 đưa đi điều trị, nếu không triển khai tốt các công tác quản lý, điều hành, phân luồng, phòng chống lây nhiễm chéo trong khu cách ly (KCL) thì sẽ phát sinh nhiều ca F0 mới, gây quá tải hệ thống các cơ sở y tế. Đặc biệt công tác này càng quan trọng ở Bắc Giang, vì hiện tổng số KCL tập trung lên tới 210, quản lý trên 14.000 người, nếu không làm tốt sẽ dễ lây nhiễm chéo, dẫn tới quá tải các cơ sở điều trị vì số ca F0 nhiều quá.
Đợt dịch Hải Dương chủ yếu tập trung ở Chí Linh và Khu công nghiệp, tốc độ lây nhiễm cũng chậm hơn nhiều. Dịch ở Bắc Giang diễn biến trong thời gian nhanh, xuất hiện ở nhiều công ty trong khu công nghiệp, số lượng công ty có ca bệnh lớn như Hosiden, Samkwang, Si Flex… đòi hỏi tổ chức cách ly rất nhanh trong một thời gian ngắn.
Ở Hải Dương, chúng tôi đã xây dựng một số tài liệu sử dụng cho các KCL tập trung. Khi đến đây, chúng tôi hiệu chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế của Bắc Giang. Đồng thời xây dựng một phần mềm quản lý toàn bộ thông tin ở KCL bao gồm: nhân sự, trang thiết bị, số lượng người cách ly, số phòng, sức chứa KCL; đã xét nghiệm lần thứ mấy, ngày nào…
Căn cứ vào đây, các tổ giám sát sẽ chỉ đạo cho cấp huyện giãn bớt mật độ hay chỉ định xét nghiệm thêm với các khu có nhiều F0… Nhờ vậy công tác quản lý, vận hành các KCL cũng được thuận lợi.
PV: Tổ giám sát cách ly y tế của Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Giang đã trợ giúp cho tỉnh những vấn đề gì, thưa ông?
Ông Dương Chí Nam: Ngay khi lên đây tối 15/5, chúng tôi đã đề xuất tỉnh thành lập Tổ giám sát y tế 7 người của Sở Y tế và CDC tỉnh. Chúng tôi cũng đào tạo, tập huấn cho tất cả thành viên của tổ. Sau đó tổ này lại tập huấn cho các tổ giám sát của các huyện, hướng dẫn các huyện triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo ở KCL.
Tổ cũng đề xuất ở các KCL, mỗi phòng, hoặc mỗi người trong phòng được trang bị cặp nhiệt độ để tự theo dõi, báo ra bên ngoài khi có biểu hiện nhiệt độ cao bất thường. Việc này đã giảm tải cho cán bộ y tế vì lực lượng này rất thiếu, khó thể đáp ứng 7-8 người cho mỗi KCL.
Bên cạnh đó nhiều hoạt động vệ sinh khử khuẩn đã được chúng tôi hướng dẫn triển khai cụ thể. Như trang bị các công cụ vệ sinh cho mỗi phòng cách ly để người trong phòng tự khử khuẩn 2 lần/ngày. Bên ngoài thì cán bộ quản lý, quân đội sẽ phun khử khuẩn ở hành lang, khu vệ sinh, khuôn viên chung…
Hàng ngày, tổ giám sát cách ly thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế thường xuyên phối hợp với các tổ giám sát của tỉnh, huyện đi kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh ở các KCL lớn nằm trong các điểm nóng như huyện Việt Yên, Lục Ngạn…
Một mảng công việc khác của tổ giám sát cách ly thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế là phối hợp thường xuyên với 35 tổ chấm điểm của tỉnh đi giám sát các nhà máy chuẩn bị trở lại sản xuất. Chúng tôi đã tư vấn, hướng dẫn cho hàng chục nhà máy hoàn chỉnh công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch, đến nay rất nhiều nhà máy đã trở lại sản xuất.
PV: Được biết ở đợt dịch này, tổ giám sát thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đã “số hóa”, áp dụng nhiều công cụ quản lý qua mạng, qua phần mềm… giúp giảm nhiều thời gian, nhân lực cho vấn đề này. Xin ông chia sẻ rõ hơn về những công cụ này ?
Ông Dương Chí Nam: Vì có tới hàng trăm KCL, việc quản lý, giám sát nếu không đồng bộ và thủ công sẽ vô cùng khó khăn cho bộ phận điều hành. Chúng tôi đã hoàn thiện mẫu phiếu báo cáo điện tử rất tiện lợi, và lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu tất cả những người quản lý KCL phải cập nhật báo cáo hàng ngày về CDC Bắc Giang để quản lý, giám sát, điều tiết kịp thời.
Một vấn đề nữa là hàng trăm nhà máy đã và chuẩn bị hoạt động trở lại, với 160.000 công nhân thì việc giám sát chặt, quản lý dữ liệu và phân tách sản xuất để đề phòng dịch tái phát trở lại cũng vô cùng quan trọng. Tổ giám sát cách ly đang tập trung xây dựng phần mềm Dữ liệu thông tin lao động nhằm hỗ trợ tích cực cho công tác truy vết, khoanh vùng với tất cả người lao động trong các KCN và các DN sản xuất tại Bắc Giang.
Lãnh đạo tỉnh đã hết sức ủng hộ. Các cán bộ của tổ chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tích hợp vào thành một ứng dụng chuyên biệt và áp dụng cho toàn bộ các DN trên địa bàn tỉnh. Công việc này sẽ hoàn thành và triển khai sớm trong ít ngày tới.
PV: Như vậy, tình hình ở các khu cách ly ở Bắc Giang hiện nay như thế nào, thưa ông?
Ông Dương Chí Nam: Về cơ bản các KCL tại Bắc Giang đã được quản lý tương đối tốt. Chúng tôi dựa trên các phần mềm về quản lý dữ liệu để hướng dẫn, chỉ định cho các KCL, bên cạnh đó là mạng lưới giám sát KCL gồm các tổ của tuyến tỉnh, tuyến huyện. Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh ra các văn bản chỉ đạo cho BCH quân sự tỉnh, UBND huyện và các ban ngành liên quan để tiến hành các công tác cần thiết, đảm bảo ANTT, ATTP trong các KCL.
Với sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và các huyện, tình hình quản lý trong các KCL tương đối chặt chẽ. Thời gian đầu khi số lượng còn ít thì các KCL có cơ sở tốt, nhà vệ sinh riêng, gần đây do số lượng người tăng, phải mở rộng nhiều KCL, điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế.
Tuy nhiên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các huyện, đã có những hỗ trợ kịp thời như cải tạo nhà vệ sinh, lắp thêm các đường nước… để đảm bảo thuận lợi cho người cách ly.