Dịch COVID-19: London đóng cửa sân bay đến hết tháng 4/2020
Sân bay thành phố London (Anh) thông báo đóng cửa đình chỉ toàn bộ các chuyến bay thương mại và tư nhân từ tối 25/3 cho đến hết tháng 4 sau khi Chính phủ Anh yêu cầu người dân ở trong nhà và ngừng mọi hoạt động di chuyển.
Trong thông báo, sân bay London nêu rõ: "Vào thời điểm này, trong tình hình diễn biến nhanh và chưa từng có, chúng tôi cho rằng đây là việc làm đầy trách nhiệm vì sự an toàn và hạnh phúc của đội ngũ nhân viên, hành khách và những ai làm việc liên quan tới sân bay".
Động thái trên diễn ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/3 đã yêu cầu người dân ở trong nhà, hạn chế đi lại và tụ tập đông người, trừ số ít trường hợp được ngoại lệ như đi mua sắm nhu yếu phẩm. Biện pháp hạn chế kéo dài 3 tuần, hiếm khi được ban bố trong thời bình, được đưa ra sau khi ngày càng nhiều người lo ngại Hệ thống Y tế quốc gia (NHS) sẽ quá tải khi số người tử vong vì dịch bệnh tại Anh tăng mạnh. Tính đến nay, nước Anh ghi nhận 8.227 ca mắc bệnh COVID-19 với 433 ca tử vong.
Cùng ngày, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu thông qua gói các biện pháp bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này với trị giá lên tới gần 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD).
Theo đó, Chính phủ Đức sẽ thành lập một "quỹ bình ổn kinh tế" cung cấp 400 tỷ euro để bảo đảm cho các khoản nợ của các công ty, 100 tỷ euro cho vay hoặc mua cổ phần của các công ty và 100 tỷ euro hỗ trợ cho Ngân hàng đầu tư của nhà nước KfW. Ngoài ra, Chính phủ liên bang sẽ đề nghị hỗ trợ tới 50 tỷ euro cho các công ty nhỏ hơn. Gói cứu trợ này cũng bao gồm 3,5 tỷ euro hỗ trợ ngay cho hệ thống y tế các thiết bị bảo hộ cần thiết và phát triển vaccine phòng chống cũng như phương pháp điều trị bệnh COVID-19, 55 tỷ euro có thể được huy động trong trường hợp cần thiết nhằm chống lại dịch bệnh.
Trong khi đó, Hạ viện Canada sáng 25/3 (giờ địa phương) đã thông qua gói cứu trợ trị giá 82 tỷ CAD (trên 56 tỷ USD) nhằm giúp các cá nhân và doanh nghiệp khắc phục những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Các nghị sĩ đã tiến hành thảo luận thâu đêm 24/3 về các quyền trong trường hợp khẩn cấp dành cho chính phủ thiểu số của Thủ tướng Justin Trudeau.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, thay vì triệu tập toàn bộ 338 thành viên của Hạ viện, 32 nghị sĩ được chọn theo tỷ lệ ghế đại diện cho các đảng đã họp tại Ottawa để biểu quyết về các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó với đại dịch toàn cầu này. Tuy nhiên, các đảng đối lập ngần ngại khi một số biện pháp được lồng ghép trong gói kích thích kinh tế trên, sẽ trao cho Bộ trưởng Tài chính Bill Morneau quyền được chi tiêu/vay mượn chưa từng có tiền lệ, kéo dài tới 21 tháng và “làm mờ đi” vai trò của Quốc hội. Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh nhu cầu cần phải áp dụng các biện pháp này vì đại dịch đang diễn biến vô cùng nhanh. Trường hợp ngoại lệ này, theo Thủ tướng, đòi hỏi chính phủ phải ứng phó hết sức linh hoạt và mau lẹ.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ, ông Andrew Scheer đề nghị chính phủ chỉnh sửa lại gói cứu trợ, tách riêng các yêu cầu về tăng quyền cho nội các trong vấn đề chi tiêu, vay mượn,…thành một dự luật riêng để Hạ viện thảo luận sau.Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ Mới cho rằng gói cứu trợ vẫn chưa đủ để giúp gần 1 triệu người Canada bị thất nghiệp trong tháng 3 này do các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa.
Cuối cùng, Hạ viện đã nhất trí thông qua gói cứu trợ khẩn cấp, nhưng chỉ cấp cho chính phủ quyền vay mượn và chi tiêu mà “không cần Quốc hội phê chuẩn” tới cuối tháng 9/2020. Trong khuôn khổ gói hỗ trợ trên, chính phủ sẽ dành 27 tỷ CAD để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động và các doanh nghiệp Canada, trong khi kế hoạch hoãn thu thuế trị giá 55 tỷ CAD để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Thượng viện Canada dự kiến sẽ thông qua gói cứu trợ này trong sáng 25/3.