Dịch COVID-19: Nam Phi cảnh báo nguy cơ bùng phát đợt dịch tiếp theo

Cảnh sát kiểm tra xe lưu thông trên đường phố tại thủ đô Pretoria, Nam Phi - Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize ngày 28/6 kêu gọi người dân nước này chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với đợt bùng phát dịch viêm đường hô hâp cấp COVID-19 tiếp theo vào mùa đông tới.

Bộ trưởng Mkhize nhấn mạnh bất kỳ tỉnh thành nào cũng có nguy cơ gia tăng các ca bệnh mới. Các tỉnh Gauteng và Western Cape có thể trở thành các điểm nóng dịch bệnh đáng chú ý nhất, sau đó là Eastern Cape và KwaZulu-Natal.

Tính đến ngày 28/6 Nam Phi đã ghi nhận tổng cộng 138.134 người mắc COVID-19, trong đó Western Cape là tâm điểm của dịch bệnh với 60.445 ca, sau đó là Gauteng 36.895 ca, Eastern Cape 25.099 ca và KwaZulu-Natal 8.433 ca.

Trong khi đó, tại Mozambique, Tổng thống Filipe Nyusi ngày 28/6 tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 thêm 30 ngày, tính từ ngày 30/6, đồng thời nới lỏng dần dần một số biện pháp hạn chế nhằm hướng tới trạng thái bình thường mới trong đại dịch.

Theo Tổng thống Nyusi, một số lĩnh vực sẽ được nối lại hoạt động bao gồm giáo dục, kinh doanh, văn hóa và du lịch, nhưng phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng dịch mà giới chức y tế đưa ra.

Các trường tiểu học và trung học sẽ được mở cửa trở lại theo 3 giai đoạn và việc thực hiện sẽ được thông báo trong vài ngày tới.

Về thúc đẩy du lịch và kích thích kinh tế, Mozambique sẽ mở cửa cho các nhà đầu tư, chuyên gia và du khách, các chuyến bay từ một số quốc gia cũng sẽ được phép vào nước này.

Các nhà hàng sẽ được mở cửa nhưng các quán bar vẫn phải đóng cửa. Tuy nhiên, ông Nyusi nhấn mạnh các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan có thể được áp đặt trở lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Cũng trong ngày 28/6, Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akufo-Addo thông báo gia hạn thêm 3 tháng gói ưu đãi nhằm khích lệ những nhân viên y tế hoạt động ở tuyến đầu chống dịch COVID-19. Theo đó, tất cả nhân viên y tế sẽ không phải nộp thuế thu nhập trong ba tháng 7, 8 và 9.

Ngoài ra, tất cả các nhân viên y tế ở tuyến đầu theo quy định của Bộ Y tế sẽ tiếp tục được nhận khoản phụ cấp bằng 50% lương cơ bản trong ba tháng tới. Tính đến ngày 28/6, Ghana đã ghi nhận tổng cộng 17.351 người mắc bệnh và 112 ca tử vong.

Tại Nhật Bản, các số liệu thống kê mới nhất của các cơ quan chức năng cho thấy số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo và tỉnh Hokkaido đã tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 4/5. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19, vẫn khẳng định chính phủ chưa có kế hoạch tái ban bố tình trạng khẩn cấp tại thời điểm hiện nay.

Ngày 28/6, chính quyền thủ đô Tokyo đã xác nhận thêm 60 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca ở thành phố này lên 6.114 ca. Đây là ngày Tokyo ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kể từ ngày 4/5 và là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở thành phố này vượt ngưỡng 50.

Đáng chú ý, trong số 60 ca nhiễm mới, có 31 người có liên quan tới các khu giải trí ban đêm. Mặc dù vậy, chính quyền thủ đô Tokyo cho biết do số người ở các nhóm tuổi 20-29 và 30-39 chiếm tới 3/4 trong tổng số các trường hợp nhiễm mới nên các chuyên gia y tế tin rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai vẫn chưa xảy ra.

Cùng với thủ đô Tokyo, trong ngày 28/6, tỉnh Hokkaido cũng phát hiện thêm 17 ca mới. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất ở tỉnh cực Bắc này kể từ khi Thủ tướng Abe Shinzo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hôm 25/5.

Tính chung trên toàn quốc, trong ngày 28/6, Nhật Bản ghi nhận thêm 99 ca nhiễm mới. Trước đó, hôm 26/6, nước này đã phát hiện thêm 105 ca nhiễm mới, trong đó riêng Tokyo có 54 ca. Đây là ngày đầu tiên kể từ hôm 14/5, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản vượt ngưỡng 100 ca.

Mặc dù số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đang có xu hướng tăng trở lại nhưng Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nishimura vẫn phủ nhận sự cần thiết phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp. Phát biểu với các phóng viên ngày 28/6, Bộ trưởng Nishimura cho rằng hệ thống y tế của nước này đủ khả năng chữa trị cho tất cả các bệnh nhân COVID-19.

Ông Nishimura bày tỏ lo lắng về sự lây lan của dịch COVID-19 từ Tokyo sang các tỉnh lân cận. Chính phủ đang phân tích các dữ liệu ở mỗi tỉnh để xác định mối liên hệ giữa các ca nhiễm mới ở các khu vực và các cụm lây nhiễm.

Trong một diễn biến khác, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận do hai tổ chức truyền thông ở Nhật Bản công bố ngày 29/6, hơn một nửa số người được hỏi bày tỏ phản đối kế hoạch tổ chức Thế vận hội Olympic vào năm 2021, kêu gọi hoãn lâu hơn nữa hoặc hủy đại hội kỳ này do lo ngại dịch COVID-19.

Trong khi đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ Latin. Trong một tháng qua, số người mắc bệnh tại khu vực Mỹ Latin đã tăng hơn 3 lần lên khoảng 2,5 triệu người, với một số điểm nóng như Brazil, Mexico ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Brazil, nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực và là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Quốc gia với hơn 200 triệu dân tuần qua ghi nhận 295.105 ca nhiễm, trong đó 7.005 người đã thiệt mạng. Đây là số ca tử vong trong tuần cao thứ hai, đứng sau con số 7.285 ghi nhận một tuần trước đó.

Các chuyên gia y tế lo ngại số người mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 ở Brazil còn cao hơn thống kê thực tế, do năng lực xét nghiệm của nước này còn hạn chế. Tại Rio de Janeiro, thành phố chịu thiệt hại nặng thứ hai trên cả nước sau Sao Paulo, các cửa hàng đã mở cửa, các trận bóng đá đã được tổ chức, thậm chí các sân vận động còn dự định đón cổ động viên từ ngày 10/7.

Trong khi đó, Mexico ngày 28/6 báo cáo 4.050 ca nhiễm mới và 267 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc lên 216.852 ca, trong đó có 26.648 ca tử vong. Chính phủ Mexico cho rằng con số thực tế có thể cao hơn thống kê chính thức. "Cơn bão" COVID-19 đã cuốn đi hàng triệu việc làm, khiến nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latin rơi vào cuộc suy thoái nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ.

Ngày 28/6, trong một thông điệp qua video, Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador dự báo tình trạng thất nghiệp ồ ạt sẽ chấm dứt từ cuối tháng 7 và xu hướng phục hồi sẽ bắt đầu từ tháng Tám.

Nhà lãnh đạo này tin tưởng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng, khi số việc làm chính thức dự báo sẽ giảm 70.000 việc trong tháng 6, so với con số 900.000 việc làm trong 2 tháng trước đó.

Tại Haiti, quốc gia nghèo nhất Mỹ Latin, tình trạng chen chúc trong các khu nhà ổ chuột càng làm nguy cơ lây lan dịch bệnh trầm trọng hơn. Tại thủ đô Cite Soleil, người dân trong các khu ổ chuột hầu như không được tiếp cận với nguồn nước sạch, sản phẩm vệ sinh và cơ sở chăm sóc y tế, do đó khó có thể tuân theo dù chỉ là những hướng dẫn vệ sinh cơ bản nhất nhằm phòng chống COVID-19.

Phần lớn người dân ở đây làm những công việc không chính thức và không được hưởng trợ cấp, khiến họ không dám nghỉ việc ở nhà cho dù bị ốm.

Theo số liệu trên trang worldometers.info, quốc gia với dân số 11 triệu người đến nay ghi nhận 5.777 ca nhiễm và 100 ca tử vong, song con số thực tế có thể cao hơn vì năng lực xét nghiệm hạn chế cũng như hệ thống y tế không được trang bị đầy đủ.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/241615/dich-covid-19--nam-phi-canh-bao-nguy-co-bung-phat-dot-dich-tiep-theo.html