Dịch COVID-19: Nga đề xuất người dân ở nhà và doanh nghiệp làm việc từ xa
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày gần bằng thời điểm đỉnh dịch, chính quyền các cấp ở LB Nga đề nghị người dân ở nhà trong tuần này, đồng thời kêu gọi thực hiện thêm các biện pháp đảm bảo an toàn nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Với 11.493 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, gần bằng mức kỷ lục ghi nhận hôm 11/5 là 11.656 ca nhiễm trong một ngày, Nga - quốc gia có số ca nhiễm cao thứ hai trên thế giới sau Mỹ và đứng đầu châu Âu, cho biết không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa như từng thực hiện hồi tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, tại thủ đô Moskva chính quyền thành phố đã đề nghị những người già trên 65 tuổi tự cách ly và ít nhất 1/3 nhân viên của các doanh nghiệp trên địa bàn phải làm việc từ xa.
* Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ hai tại châu Âu về số ca nhiễm, Bộ Y tế chỉ đạo thủ đô Madrid phải thực thi các biện pháp hạn chế đi lại nhằm hạn chế số ca mắc COVID-19 mới nếu không muốn phải đối mặt với "tình trạng khẩn cấp" của chính phủ. Cùng ngày, chính phủ thông báo sẽ tiến hành phiên họp Nội các đặc biệt trong ngày 9/10 để thảo luận về việc có hay không áp đặt tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Madrid.
Sau thông báo của Bộ Y tế, chính quyền thành phố Madrid đã ra thông báo cấm toàn bộ các hoạt động đi lại không cần thiết đến và đi từ thủ đô cùng 9 thị trấn lân cận.
* Tại thủ đô Brussels (Bỉ), do lo ngại các phòng hồi sức cấp cứu bị quá tải, nhiều bệnh viện thông báo sẽ phải chuyển bớt số bệnh nhân COVID-19 sang các bệnh viện bên ngoài thủ đô trong những ngày tới. Theo đó, 5 bệnh viện thuộc mạng lưới y tế Brussels sẽ phải chuyển bớt số bệnh nhân COVID-19 sang các bệnh viện lân cận bên ngoài. Tổng giám đốc mang lưới bệnh viện Brussels, ông Étienne Wéry cho biết: “Kế hoạch trên dự kiến diễn ra trong 2 hoặc 3 tuần tới”.
Cũng theo ông Étienne Wéry, số bệnh nhân COVID-19 hiện đã chiếm 1/5 cơ số giường hồi sức cấp cứu tại các bệnh viên ở Brussels, trong khi đó nhân lực và thiết bị của bệnh viện phải phục vụ cho các hình thức hồi sức cấp cứu khác. Ông Wéry cho biết nếu việc chuyển viện cho các bệnh nhân COVID-19 không sớm thực hiện thì mạng lưới bệnh viện của Brussels sẽ phải kích hoạt phương án 1B, theo đó một nửa số giường hồi sức cấp cứu sẽ phải giành cho các bệnh nhân COVID-19 và điều này sẽ ảnh hưởng tới công tác chăm sóc các bệnh nhân thuộc nhóm các bệnh khác…
Yêu cầu trên của mạng lưới bệnh viện Brussels đã tạo sức ép lớn cho các giới chức y tế của các vùng, vì các bệnh viện tại các tỉnh khác của Bỉ cũng đưa ra những lời kêu gọi nhằm yêu cầu ngừng kế hoạch này. Được biết, ngày 6/10, thị trưởng thành phố Alost tuyên bố rằng các bệnh viện của thành phố này sẽ không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 từ Brussels, vì điều này có thể có ảnh hưởng tới việc chăm sóc các bệnh nhân là người địa phương.
* Khác với làn sóng dịch bệnh gia tăng tại châu Âu và Mỹ, Cuba ngày 8/10 lại thông báo mở cửa du lịch trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn "bình thường mới". Thủ tướng Cuba Manuel Marrero cho biết phần lớn khu vực trong cả nước sẽ mở cửa đón du khách quốc tế bắt đầu từ tuần sau khi đảo quốc Caribe nay bắt đầu giai đoạn "bình thường mới".
Theo kế hoạch, Cuba, quốc gia đã thực hiện đóng cửa biên giới trong vòng 6 tháng, để hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19, sẽ từng bước mở cửa du lịch, kịp đáp ứng thời kỳ cao điểm diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau tại những địa điểm ở miền Bắc. Phát biểu trong cuộc thảo luận bàn tròn, Thủ tướng Marrero khẳng định 13 trong số 16 tỉnh của Cuba đã mở cửa cho phép hoạt động du lịch quốc tế.
Tại Cuba, du lịch quốc tế là một trong những nguồn thu ngoại tệ hàng đầu, vì vậy việc ngừng hoạt động của "ngành công nghiệp không khói" này trong năm nay là một tổn thất lớn đối với nền kinh tế của Cuba.