Dịch COVID-19 ngày 11/12: Biến thể Omicron lây lan nhanh chóng ở Anh

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại London, Anh, ngày 6/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 11/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 269.394.514 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.310.981 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 242.238.837 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 817.317 ca tử vong trong tổng số 50.694.650 ca nhiễm. Trong vòng 24 giờ qua, thế giới đã có thêm 605.674 ca mắc mới, trong đó Mỹ đứng đầu với 136.692 ca. Tiếp theo là Đức và Anh - lần lượt là 58.969 ca và 58.194 ca.

Đáng chú ý, số ca mắc mới tại Anh theo ngày đã lên mức cao nhất kể từ ngày 9/1 vừa qua. Giới chức y tế cảnh báo nước Anh đang đối mặt với tình huống đáng lo ngại khi biến thể Omicron lây lan nhanh khiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi 2-3 ngày.

Theo ước tính, 30% số ca mắc mới tại London là mắc biến thể Omicron. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xu hướng hiện nay, nhiều khả năng Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị tại Anh với hơn 1 triệu ca mắc vào cuối tháng này.

Cho tới nay, Anh đã ghi nhận 1.265 ca mắc biến thể Omicron. Anh là một trong số quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu với 146.255 ca. Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong tại nước này không gia tăng vào tuần trước. Theo một nghiên cứu của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA), mũi vắc xin tăng cường phòng COVID-19 có thể hiệu quả đến 75% trong việc ngăn ngừa các ca mắc biến thể Omicron có triệu chứng.

Phóng viên TTXVN tại London dẫn nghiên cứu đầu tiên của UKHSA về hiệu quả của vắc xin đối với biến thể mới cho thấy trong số 581 người mắc biến thể Omicron đã tiêm hai mũi vắc xin của hãng AstraZeneca hoặc Pfizer/BioNTech, mức độ bảo vệ các ca bệnh xuất hiện triệu chứng thấp hơn nhiều so với biến thể Delta, song mức độ này đã tăng lên 70-75% hai tuần sau khi họ được tiêm mũi thứ ba.

Nghiên cứu cho thấy mức độ lây truyền biến thể Omicron giữa những người tiếp xúc gần cao gấp đôi so với biến thể Delta và phân tích ban đầu cho thấy những người đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 có nhiều khả năng tái nhiễm Omicron hơn so với biến thể Delta.

Tiến sĩ Mary Ramsay, người đứng đầu bộ phận tiêm chủng tại UKHSA, cho biết những dữ liệu ban đầu này cần được xem xét một cách thận trọng, song số liệu cũng cho thấy những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc biến thể Omicron lớn hơn nhiều so với nguy cơ mắc biến thể Delta.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nhấn mạnh dữ liệu mới cho thấy tầm quan trọng của mũi tăng cường trong việc chống lại biến thể mới này. Các nhà khoa học và lãnh đạo ngành y tế tịa Anh cho biết tỉ lệ lây nhiễm tăng cao có thể nhanh chóng gây áp lực lên Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS).

Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtěch cho biết nước này đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron, đều là người ở vùng Liberec thuộc phía bắc. Một trong 2 người này là một phụ nữ bay từ Namibia đến Liberec.

Theo Giám đốc dịch tễ Pavla Svrčinová, ngoài 2 ca mắc Omicron đã được xác định nói trên, Czech đang tiến hành xét nghiệm và giải trình tự gene bệnh phẩm của 8 trường hợp khác, trong đó 6 người ở Vùng Nam Moravian, một người ở Praha và một ở Khu vực trung tâm Bohemian. Tất cả các trường hợp này đều không có hoặc chỉ có triệu chứng rất nhẹ.

Sau khi phát hiện các ca nghi ngờ mắc bệnh nói trên, các cơ quan chức năng của Czech đã đẩy mạnh truy vết tiếp xúc và ra lệnh cách ly 2 tuần đối với những người tiếp xúc với các trường hợp trên. Nhận định về biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Vojtěch cho rằng biến thể mới này dễ lây lan nhưng không nguy hiểm hơn biến thể Delta. Tuy nhiên, ông cũng nói rõ những thông tin hiện nay là chưa đủ và người dân cần tiêm liều vắc xin tăng cường.

Cũng trong ngày 10/12, Bộ Y tế Cyprus thông báo phát hiện các trường hợp nhiễm Omicron. Theo bộ trên, cả 3 trường hợp đang được cách ly tại thành phố Limassol, miền Nam Cyprus. Không trường hợp nào phải nhập viện và cả 3 đều có lịch sử trở về từ nước ngoài.

Trong khi đó, nhiều quốc gia cũng ban hành quy định mới về tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng ngừa biến thể Omicron. Tại Singapore, Bộ Y tế nước này thông báo sẽ bắt đầu tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 ngay trong năm nay.

Hiện 87% trong tổng số 5,5 triệu dân quốc đảo này đã được tiêm chủng và nhà chức trách đang gấp rút tiêm vắc xin cho trẻ em do quan ngại sự gia tăng các ca mắc COVID-19 ở nhóm tuổi này. Liều lượng vắc xin tiêm cho trẻ em sẽ bằng 1/3 liều lượng tiêm cho người lớn, tương tự tại Mỹ. Hiện tại, Singapore mới chỉ chấp thuận sử dụng vắc xin Comirnaty của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em nước này.

Trong khi đó, người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19, Tiến sĩ Reisa Broto Asmoro cho biết Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu hoàn tất tiêm vắc xin ngừa COVID-19 liều thứ hai vào tháng Ba hoặc tháng 4/2022. Bà Reisa Broto Asmoro cho hay vào thời điểm đó, Chính phủ Indonesia sẽ cung cấp vắc xin cho 70% dân số, tương đương với 208,2 triệu người, nhằm đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.

Theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến 12 giờ ngày 10/12, đã có 145.085.912 người dân nước này được tiêm vắc xin mũi thứ nhất, đạt 69,66% mục tiêu, và 101.794.596 người, tương đương với 48,88% mục tiêu, đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

Tương tự, tại Czech, điều phối viên tiêm chủng tại Prague Martin Ježek thông báo 18.000 liều vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5 tuổi sẽ được vận chuyển đến thủ đô vào ngày 14/12 và việc tiêm chủng sẽ bắt đầu sau khi vắc xin được phân phối tới các điểm tiêm chủng. Các bậc cha mẹ có thể đăng ký và đưa con đến tiêm tại 10 điểm tiêm chủng hoặc đến bác sĩ chuyên khoa thích hợp.

Cùng ngày, Chính phủ Algeria đã ban hành một số quy định mới dựa trên tình hình tiêm phòng vắc xin để đối phó với làn sóng COVID-19 đang tăng mạnh trở lại. Cụ thể, Algeria gia hạn việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa thêm 15 ngày, kể từ ngày 10/12, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân. Ngoài ra, Chính phủ Algeria kêu gọi người dân tiếp tục nâng cao cảnh giác và tránh tâm lý lơ là phòng dịch, nhất là khi tại nhiều nước đã xuất hiện biến thể nguy hiểm Omicron.

Trong khi đó, Ủy bán Giám sát đại dịch COVID-19 của Algeria khuyến cáo nên áp dụng "hộ chiếu vắc xin" với các du khách nhập cảnh và các sự kiện có đông người tham gia như các hoạt động thể thao, văn hóa và bữa tiệc. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Algeria là 212.434 trường hợp, trong đó có 6.132 ca tử vong.

Ngày 10/12, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ công bố kết quả nghiên cứu giai đoạn đầu cho thấy loại vắc xin chống cúm mùa thử nghiệm theo công nghệ mRNA của hãng này đã tạo ra kháng thể chống lại tất cả 4 chủng virus cúm.

Theo Moderna, nghiên cứu giai đoạn đầu đối với vắc xin được đặt tên là mRNA-1010 này hiện vẫn đang được tiến hành, trong khi nghiên cứu giai đoạn giữa (giai đoạn 2) đã được hoàn tất đăng ký triển khai.

Tuy những dữ liệu trên mới chỉ là hạn chế nhưng kết quả này đã đưa Moderna vượt trước các nhà sản xuất dược phẩm khác, trong đó bao gồm cả đối thủ nặng ký Pfizer Inc (cũng của Mỹ) trong các nghiên cứu về vắc xin ngừa cúm theo công nghệ mRNA.

Moderna cũng cho biết hãng này đang phát triển một loại vắc xin tổng hợp tăng cường dành cho hệ hô hấp được tiêm hằng năm, nhắm vào nhiều loại virus bao gồm virus gây bệnh COVID-19, virus gây bệnh cúm và virus hợp bào hô hấp. Loại vắc xin mới mang tên mRNA-1345 này cũng đã chứng minh hiệu quả tích cực trong giai đoạn đầu thử nghiệm.

Giám đốc điều hành (CEO) của Moderna - ông Stephane Bancel cho biết: "Ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, thế giới đã có khoảng 3 triệu người tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan nhiễm trùng đường hô hấp. Mục tiêu hiện tại của chúng tôi là kiềm chế tình trạng này với một loại vắc xin tăng cường một liều, tiêm hằng năm dành cho hệ hô hấp".

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/268477/dich-covid-19-ngay-11-12--bien-the-omicron-lay-lan-nhanh-chong-o-anh.html