Dịch COVID-19: Nhật Bản, Hàn Quốc gia tăng số ca nhiễm mới trong ngày

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 5/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura ngày 12/3 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực thủ đô Tokyo đang có dấu hiệu tăng trở lại, đặt ra câu hỏi về khả năng dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vào ngày 21/3 theo kế hoạch.

Tuần trước, Chính phủ Nhật Bản đã gia hạn sắc lệnh tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận thêm 14 ngày, vì số ca nhiễm giảm chưa đủ và các biến thể mới có khả năng lây lan nhanh hơn đặt ra nguy cơ.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Tamura cho biết quyết định về việc có dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở khu vực Tokyo hay không sẽ được đưa ra sau khi tham vấn các chuyên gia.

Ông khẳng định: "Việc dỡ bỏ các biện pháp này sẽ phải dựa vào việc áp dụng một hệ thống nhằm đảm bảo số ca nhiễm không tăng trở lại".

Các biện pháp hạn chế như giảm giờ mở cửa của các quán rượu, nhà hàng đã giúp giảm số ca nhiễm mới tại Tokyo khoảng 1/10 so với mức đỉnh 2.520 ca ghi nhận ngày 7/1 vừa qua.

Nhưng số ca nhiễm còn quá xa mục tiêu mà Thống đốc Tokyo Yuriko Koike đặt ra là số cả nhiễm trung bình trong tuần sau bằng 70% số ca nhiễm trong tuần trước.

Phát biểu tại một cuộc họp với các chuyên gia y tế ngày 12/3, ông Koike cho biết: "Số ca dương tính mới đã chấm dứt xu hướng giảm và chúng ta cần rất cảnh giác về nguy cơ tăng trở lại khi các chủng biến đổi".

Theo số liệu chính thức, từ cuối tháng Hai, số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày tại Tokyo dừng lại ở mức khoảng 200 ca, nhưng theo số liệu của ngày 11/3, con số này đã vượt 300 ca trong hai ngày liên tiếp.

Tokyo - và Nhật Bản nói chung - đang chạy đua với thời gian nhằm kiểm soát số ca nhiễm và đẩy nhanh việc tiêm phòng nhằm chuẩn bị đăng cai Thế vận hội Olympic từ ngày 23/7 tới.

Chiến dịch tiêm phòng mới được bắt đầu hồi cuối tháng Hai với các nhân viên y tế và đang diễn ra chậm chạp do thiếu nguồn cung vắc xin.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới trong ngày 12/3 đã đạt tới mức cao nhất trong 3 tuần trở lại đây, hiện vẫn trên 400 ca trong 4 ngày liên tiếp, khiến nhà chức trách phải gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần.

Chiến dịch tiêm phòng tại Hàn Quốc đã bắt đầu từ 26/2 và hiện khoảng 1% trong số 52 triệu dân đã được tiêm liều đầu tiên.

Cụ thể 526.277 người được tiêm vắc xin của hãng AstraZeneca/Oxford và 19.863 người đã được tiêm vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech.

Nước này cũng đã cho phép sử dụng vắc xin của hãng AstraZeneca/Oxford cho người từ 65 tuổi trở lên sau khi có kết quả nghiên cứu mới của nước ngoài ngày 11/3. Hàn Quốc đặt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào tháng 11/2021.

Tại Indonesea, ngày 12/3, Viện Sinh học phân tử Eijkman cho biết 48 ca nhiễm biến thể N439K của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan nhanh có nguồn gốc từ Nam Phi đã được phát hiện tại quốc gia này từ cuối năm 2020.

Số ca nhiễm nói trên được phát hiện từ kết quả kiểm tra 547 mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp giải trình tự cả bộ gen (WGS) và đã được thông báo cho tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID).

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN Indonesia, Giám đốc Viện Eijkman, ông Amin Soebandrio cho hay các ca nhiễm biến thể N439K đã được các nhà nghiên cứu của Viện Eijkman, Đại học Indonesia, Viện Khoa học Indonesia (LIPI), Viện Công nghệ Bandung, Đại học Airlangga, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế phát hiện từ tháng 11-12/2020.

Tuy nhiên, ông Amin không tiết lộ về các địa phương phát hiện các trường hợp nhiễm biến thể N439K và bày tỏ lo ngại rằng biến thể này có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả các loại vaccine hiện đang được lưu hành. Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Bác sỹ Indonesia (IDI) Daeng M. Faqih đã lên tiếng cảnh báo về khả năng lây nhiễm của N439K - vốn được cho là “thông minh hơn” các biến thể khác của virus.

Ngày 2/3 vừa qua, Bộ Y tế Indonesia cũng thông báo đã phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể B117 của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh, đúng thời điểm 1 năm Indonesia ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro cho rằng việc phát hiện biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm trầm trọng thêm đại dịch COVID-19 tại Indonesia và có thể khiến các bệnh viện thêm quá tải.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/253248/dich-covid-19--nhat-ban-han-quoc-gia-tang-so-ca-nhiem-moi-trong-ngay.html