Dịch COVID-19: Niềm tự hào Schengen trở thành thách thức
Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước tình thế lưỡng nan khi niềm tự hào của họ - quyền đi lại tự do trong khối Schengen - đang khiến các quan chức đau đầu mùa dịch.
Trên thực tế, chính phủ các nước EU có thể đưa ra biện pháp kiểm soát tạm thời trong trường hợp khẩn cấp, ví dụ như cuộc khủng hoảng di cư năm 2015. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không nước nào thực hiện biện pháp này khi dịch COVID-19 bùng phát.
Nghị sĩ thuộc đảng Xanh Karima Delli (Pháp) đã đề xuất cần “hạn chế việc đi lại làm phát tán dịch bệnh”. Trong khi đó, nghị sĩ Mick Wallace của đảng cánh tả Thống nhất châu Âu đề nghị chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP): “Chúng ta cần phải học hỏi người Trung Quốc trong việc kiểm soát virus bằng cách hạn chế đi lại và cách ly”.
Trên thực tế, vai trò của EU sẽ rất hạn chế trong việc chống dịch COVID-19 do trách nhiệm của tổ chức này được quy định rất ít trong lĩnh vực y tế nếu căn cứ theo Hiệp ước Lisbonne (được coi là hiến pháp của EU). Đánh giá về phiên họp bất thường của các bộ trưởng y tế các quốc gia thành viên EU diễn ra trong ngày 6-3, giới quan sát cũng cho rằng rất khó có thể phối hợp và thống nhất hành động của các quốc gia thành viên EU, do mỗi quốc gia có những ưu tiên riêng trong việc kiềm chế dịch.
Vì vậy, có thể thấy rằng EU đang đứng trước thách thức rất lớn từ dịch COVID-19. Các biện pháp cách ly bệnh nhân và những đối tượng nghi nhiễm hiện nay chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của cá nhân vì quyền tự do cá nhân tại châu Âu rất được đề cao. Còn về biện pháp hạn chế đi lại, EU vẫn chủ trương duy trì sự tự do đi lại và giao thông giữa các quốc gia thành viên trong khối Schengen.
Vì lẽ đó, việc EU vẫn chủ trương vừa ngăn chặn dịch COVID-19, vừa đảm bảo quyền tự do của mỗi cá nhân (giá trị cốt lõi của EU), lại vừa duy trì hoạt động giao thông bình thường trong khối Schengen thật sự là một thách thức rất lớn.
Hãng tin AFP bình luận nếu châu Âu không kịp thời tìm ra một giải pháp khả dĩ, tức phải hy sinh một trong những ưu tiên kể trên, thì tình hình dịch bệnh có khả năng vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Khi đó, thiệt hại không những chỉ về kinh tế mà cả tính mạng con người tại EU là rất lớn, bởi virus dịch COVID-19 rất dễ gây tử vong đối với người già mà tỉ lệ người cao tuổi trong cấu trúc dân số của châu Âu lại rất cao.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/dich-covid19-niem-tu-hao-schengen-tro-thanh-thach-thuc-895089.html