Dịch Covid-19 ở Pháp: Đỉnh dịch có thể diễn ra trong 5 đến 8 ngày tới
Theo Hội đồng khoa học tư vấn cho Tổng thống và Chính phủ Pháp, đỉnh dịch Coviod-19 tại Pháp có thể diễn ra trong 5 đến 8 ngày tới. Sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh tại quốc gia này là do tiếp xúc và di chuyển của con người.
Pháp chính thức cho phép thử nghiệm 4 liệu pháp điều trị Covid-19. (Nguồn: French Entre)
Tính đến 18h ngày 22/3, Pháp ghi nhận 16.018 ca xét nghiệm dương tính Covid-19, trong đó có 674 ca tử vong và 2.200 ca hồi phục.
Hội đồng khoa học tư vấn cho Tổng thống và Chính phủ Pháp cho biết, thời hạn phong tỏa 15 ngày đã được ban bố từ ngày 17/3 chỉ là khoảng thời gian tối thiểu để ngăn chặn dịch bệnh. Trước diễn tiến nhanh chóng của dịch Covid-19, sẽ không thể tránh khỏi việc phải kéo dài thời gian này lên 4 hoặc thậm chí là 6 tuần.
Ngày 23/3, Hội đồng sẽ họp với chính phủ để đề xuất kéo dài lệnh phong tỏa. Theo Hội đồng này, đỉnh dịch tại Pháp có thể diễn ra trong 5 đến 8 ngày tới. Bộ Y tế Pháp cũng khẳng định, việc lan truyền lây nhiễm là do tiếp xúc và di chuyển của con người.
Tại tỉnh Vendeé, số lượng người lây nhiễm tăng vọt do người dân từ các đô thị đổ dồn về tránh dịch. Đây cũng là một mối lo ngại rất lớn khi nhiều gia đình từ Paris, một trong những tâm dịch đã di chuyển về các tỉnh. Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương cũng chính thức tuyên bố lệnh phong tỏa bắt đầu từ 0h ngày 23/3.
Nghị viện Pháp tối ngày 22/3 đã thông qua dự luật thiết lập tình trạng khẩn cấp dịch tễ, cho phép Chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế các quyền tự do công cộng không thông qua quốc hội.
Về các biện pháp kiểm soát và chế tài, chính quyền Pháp cho biết, kể từ ngày 17/3 đã tiến hành khoảng 1.738.907 lượt kiểm tra và hơn 91.824 lần phạt. Đáng lưu ý, tại Paris đã có một trường hợp bị truy tố. Chính quyền nước này cũng nâng mức phạt lên 1500 Euro đối với hành vi tái phạm trong vòng 15 ngày, 6 tháng - 1 năm tù và 15000 Euro tiền phạt với 4 lần vi phạm. Ít nhất có 6 thành phố ven Địa Trung Hải và giáp biên giới với Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh giới nghiêm về đêm. Tại Paris, tập đoàn RATP thông báo, sẽ thiết lập 20 tuyến miễn phí nhằm phục vụ việc di chuyển của nhân lực y tế.
Trước sức ép của các bệnh viên, nhân viên y tế, nhân viên nhà dưỡng lão do tình trạng thiếu khẩu trang và trang bị phòng lây nhiễm, Bộ Y tế Pháp tuyên bố đã chuyển các kho cung ứng khẩu trang tới gần các bệnh viện và sẵn sàng bổ sung cho các lực lượng có nguy cơ trong tiếp xúc với bệnh nhân, nhất là các nhân viên y tế làm việc trong các bệnh viện.
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, đã xuất hiện nhiều vụ trộm khẩu trang tại các kho dẫn đến thiếu hụt. Do đó, Bộ Y tế nước này khẩn cấp yêu cầu các nhà máy sản xuất tăng năng lực đảm bảo nhu cầu đồng thời đã đặt hàng 250 triệu khẩu trang ở nước ngoài để đưa tới các bệnh viện trong tuần tới.
Tại Pháp đã bắt đầu đưa vào thử nghiệm khoảng 40 mẫu khẩu trang mới đảm bảo có thể sản xuất tại chỗ, không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Về năng lực xét nghiệm, Bộ trưởng Olivier Véran thông tin, đã nâng năng lực từ 5.000 lên 8.000 ca/ngày.
Bắt đầu từ ngày 22/3, Pháp chính thức cho phép thử nghiệm 4 liệu pháp điều trị Covid-19 trong khuôn khổ chương trình Discovery do Viện INSERM Lyon dẫn đầu với sự tham gia của các bệnh viện Bichat và AP-HP tại Paris, Lille, Nantes, Strasbourg, các đối tác tại Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Tổng cộng có 4.000 bệnh nhân sẽ được tham gia thử nghiệm. Mục tiêu của chương trình là thử nghiệp khả năng chữa trị Covid-19 của 4 loại thuốc bao gồm: remdesivir, kết hợp lopinavir và ritonavir, kết hợp lopinavir với ritonavir và interféron, hyroxychloroquine.
Từ ngày 21/3, quân đội Pháp chính thức được huy động tham gia chống dịch. Trước đó, chỉ lực lượng hiến binh tham gia giám sát lệnh phong tỏa. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho rằng, quân đội sẽ hỗ trợ về hậu cần và tham gia điều trị thông qua việc thiết lập khẩn cấp một bệnh viện quân y tại vùng Grand hiện đang là vùng lãnh thổ có lượng người nhiễm bệnh lớn thứ hai sau Ile-de-France (Paris). Bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập bằng không vận các thiết bị tới một căn cứ quân sự cũ và sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhận không chỉ từ vùng Grand Est của Pháp mà còn từ các nước láng giềng.
Hiện nhiều bệnh viện của Đức và Thụy Sĩ cũng đang tiếp nhận các bệnh nhân từ Pháp do tình trạng quá tải tại khu vực này. Quân đội cũng điều tàu sân bay trực thăng tiếp nhận các bệnh nhân từ Đảo Corse về Marseille điều trị. Tuy nhiên, Bộ trưởng Florence Parly nhấn mạnh, năng lực điều trị của quân đội chỉ chiếm 1% năng lực của hệ thống bệnh viện công và hiện trong quân đội cũng có hàng chục ca lây nhiễm đang được điều trị.