Dịch COVID-19: PAHO quan ngại về tình hình tại châu Mỹ
Giám đốc của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne. Nguồn: Uwpstlucia.com
* Cảnh báo về sự gia tăng các trường hợp nhiễm HIV/AIDS ở Mỹ Latin
Theo phóng viên Thông tấn xã Việt nam tại khu vực Mỹ Latin, ngày 2/12, Giám đốc của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho biết số ca mắc COVID-19 tại châu Mỹ đã tăng gần 30% trong tháng 11 vừa qua so với một tháng trước đó, trong khi khu vực Bắc Mỹ cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong một ngày.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Etienne thông báo trong tháng 11 vừa qua châu Mỹ đã ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc COVID-19 mới và tổng số ca mắc bệnh ở khu vực này đã lên tới 26,9 triệu người, đồng thời cảnh báo các ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch và tại Canada, virus SARS-CoV-2 cũng đang lây lan trong các cộng đồng bản địa ở các vùng xa xôi như người Yukon và Nunavut.
Trong khi đó, ở khu vực Mỹ Latinh giới chức y tế vẫn tỏ ra lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Brazil khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng tại một số bang trong những tuần gần đây. Còn tại Argentina thì lại đang có những dấu hiệu tích cực khi số ca nhiễm mới liên tục giảm từ đầu tháng 11 đến nay.
Trong bối cảnh đó, bà Etienne kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực cần phải có những hành động quyết liệt hơn nhằm kiểm soát số ca lây nhiễm mới, xác định sớm và cách ly những người mắc bệnh để ngăn chặn sự lây lan ra cộng đồng.
Giám đốc của Tổ chức Y tế liên Mỹ cũng nhấn mạnh, mặc dù thông tin về các loại vắcxin ngừa COVID-19 đến nay là khá tích cực song chưa thể đáp ứng được ngay nhu cầu rộng rãi của người dân và vì vậy cần phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, sử dụng khẩu trang khi ra đường và hạn chế các hoạt động tụ tập đông người.
Trong một diễn biến khác có liên quan, ngày 2/12, chính phủ Mexico thông báo đã ký một thỏa thuận với hàng dược phẩm Pfizer của Mỹ để mua 34,4 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19.
Phóng viên Thông tấn xã Việt nam tại Mexico dẫn thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết sẽ tiếp nhận lô vắcxin đầu tiên của Pfizer, với 250 nghìn liều trong tháng 12 này và ưu tiên cho đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu chống dịch. Thỏa thuận này năm trong gói thỏa thuận mua 146,8 triệu liều vắcxin của ÁtraZeneca, Pfizer và CanSino Biologics.
Bên cạnh đó, Mexico cũng thanh toán trước 160 triệu USD để mua các lô vắcxin đầu tiên theo Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắcxin COVID-19 (COVAX), được thúc đẩy bởi Tổ chức Y tế Thế giới. Mexico sẽ mua 51,57 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 theo cơ chế này. Chính phủ Mexico thông báo đã dành sẵn 458 triệu USD mua vắcxin cung cấp miễn phí cho người dân.
Mexico hiện là trong những quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận hơn 1,122 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 107 nghìn ca tử vong, đứng thứ 11 thế giới về số ca bệnh và thứ 4 thế giới về số ca tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) mới đây công bố báo cáo cho biết số ca nhiễm mới virus HIV tại khu vực Mỹ Latin đã tăng 21% trong vòng một thập kỷ qua.
Cụ thể, số ca nhiễm mới HIV đã tăng từ gần 100.000 người năm 2010 lên 120.000 người vào năm 2019. Trong cùng thời kỳ, số ca tử vong hằng năm liên quan đến HIV/AIDS giảm nhẹ, từ 41.000 ca năm 2010 xuống còn 37.000 ca vào năm ngoái.
Báo cáo của PAHO cũng cảnh báo tình trạng gia tăng số ca nhiễm mới virus HIV tại khu vực này có xu hướng trở nên trầm trọng hơn do những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giám đốc PAHO Carissa Etienne nhấn mạnh dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến hệ thống dịch vụ y tế thiết yếu, đặc biệt là ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khiến tình hình liên quan đến HIV/AIDS tại khu vực Mỹ Latin trở nên tồi tệ hơn.
Báo cáo của PAHO đề cập sự sụt giảm đáng kể số lượng xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Theo đó, trong nửa đầu năm 2020, tại các quốc gia như Guatemala, Guyana, Haiti, Honduras, Jamaica, Peru, CH Dominicana và Santa Lucia, số trường hợp xét nghiệm HIV/AIDS giảm trung bình 4.000 ca so với cùng kỳ năm 2019.
Trước thực tế này, Giám đốc Chương trình của Liên hợp quốc về HIV/AIDS tại khu vực Mỹ Latin và Caribe César Nunẽz cảnh báo dịch COVID-19 là một thách thức đối với công tác phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm virus HIV.
Ông Nunẽz cho rằng bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống và điều trị HIV/AIDS sẽ khiến tỉ lệ bệnh nhân có nguy cơ lây nhiễm hoặc tử vong liên quan đến căn bệnh thế kỷ này tăng cao.
Ông Nunẽz đề nghị các nước trong khu vực tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về HIV/AIDS, đồng thời thúc đẩy các hành động trong lĩnh vực phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.
Số liệu thống kê cho thấy hiện tại khu vực Mỹ Latin có tổng cộng 2,1 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS.