Dịch COVID-19: Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất
Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, cứ 100.000 người dân có 105 người tử vong vì COVID-19, tiếp đến là Bỉ với tỷ lệ 100/100.000 người, Tây Ban Nha 77/100.000 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 2/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 46.804.423 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.205.044 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 33.742.731 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 236.471 ca tử vong trong tổng số 9.473.720 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 122.642 ca tử vong trong số 8.229.322 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 160.104 ca tử vong trong số 5.545.705 bệnh nhân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 402.164 ca tử vong trong tổng số 11.316.343 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 278.774 ca tử vong trên 10.467.341 ca nhiễm.
Châu Á có 170.843 ca tử vong trong số 10.573.913 ca nhiễm; Trung Đông có hơn 59.700 ca tử vong; châu Phi ghi nhận hơn 42.800 ca tử vong, và số ca tử vong do COVID-19 tại châu Đại Dương là hơn 1.000 ca.
Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân có 105 người không qua khỏi đại dịch này. Tiếp đến là Bỉ (với tỷ lệ 100 người), Tây Ban Nha 77 người và Brazil 75 người.
Ngày 1/11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo ông được xác định là có tiếp xúc với một người dương tính với virus SARS-CoV-2, song khẳng định ông vẫn cảm thấy ổn và không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh COVID-19.
Trên trang Twitter cá nhân, ông Tedros nêu rõ: "Tôi được xác định là có tiếp xúc với một người dương tính với COVID-19. Tôi cảm thấy ổn và không có triệu chứng, nhưng sẽ tự cách ly trong những ngày tới, phù hợp với quy định của WHO và làm việc tại nhà."
Tại Brazil, Bộ trưởng Y tế Eduardo Pazuello cũng đang phải điều trị COVID-19 tại một bệnh viện quân đội.
Chính phủ các quốc gia châu Âu tiếp tục siết chặt các biện pháp nhằm hạn chế sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19.
Giới chức Anh cảnh báo các lệnh phong tỏa có thể sẽ kéo dài sang tới năm 2021, do số các ca mắc bệnh và tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, hiện lần lượt là 1.034.914 và 46.717 ca.
Hiện, Anh là quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, trong khi mỗi ngày có tới hơn 20.000 ca nhiễm mới được phát hiện.
Trong khi đó, chính quyền bang Geneva của Thụy Sĩ đã quyết định thực hiện biện pháp bán phong tỏa sau 19 giờ, từ ngày 2 đến 29/11 tới. Theo đó, các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, viện bảo tàng, phòng hòa nhạc, phòng tập thể dục, các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện và các cửa hàng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa.
Tuy nhiên, trường học, các điểm bán thực phẩm, nhu yếu phẩm, siêu thị, các hiệu thuốc, cửa hàng dịch vụ và sửa chữa thiết yếu vẫn mở cửa và có phương án phòng dịch nghiêm ngặt.
Các sự kiện công cộng và riêng tư với sự tham gia của hơn 5 người, kể cả trong một gia đình, cũng bị cấm.
Geneva là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 tại Thụy Sĩ. Trong vài ngày qua, hàng ngày có hơn 1.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, với đỉnh điểm là 1.338 ca dương tính vào ngày 30/10.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, tổng số ca mắc COVID-19 tại châu lục này đã lên đến 1.784.083 người, trong khi số ca tử vong là 42.869 người.
Nam Phi hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tại châu Phi, với 725.452 ca mắc bệnh, trong đó có 19.276 ca tử vong do COVID-19./.