Dịch COVID-19: Quán bún bò nổi tiếng cũng méo mặt vì ế ẩm

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, người tiêu dùng giảm chi tiêu, tránh tụ tập nơi đông người khiến nhiều ngành hàng dịch vụ ảnh hưởng theo.

Đại diện trạm xăng dầu mũi tàu Âu Cơ - Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM cho biết thông thường vào những ngày cuối tuần người dân đi đổ xăng rất đông. Tuy nhiên khi dịch xảy ra, người dân giảm ra đường, lượng xăng bán ra giảm 30%-40%/ngày.

Ông Lân, Tổng đại lý gas ở Bình Chánh, cho biết do dịch COVID-19 học sinh nghỉ học, các bếp ăn cung cấp suất ăn cho trường học giảm lấy gas. Vì vậy, từ tết đến nay lượng gas cung cấp cho thị trường giảm 30%.

Chẳng hạn, có bếp ăn cung cấp suất ăn cho học sinh bình thường lấy khoảng 20-24 bình gas loại 45 kg, tương đương 1 tấn gas. Tuy nhiên, tháng 2 vừa qua nhà cung cấp này chỉ lấy bảy, tám bình gas loại 45 kg, chưa kể các nhà hàng, quán nhậu đóng cửa nên sản lượng gas tiêu thụ cũng giảm rất nhiều.

Tương tự, một nhà cung cấp hải sản tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) cho biết hiện chưa có mối quán ăn nào ngưng lấy hàng nhưng họ nhập chậm. Sản lượng hải sản tiêu thụ giảm 50%.

Ví dụ có nhà hàng một ngày lấy 10 kg tôm, nay lấy khoảng 4-5 kg. Không chỉ tôm mà ốc, mực các loại đều giảm 40%-50%. Do đó, mọi năm tiền nhập hàng 30 triệu giờ giảm nhập khoảng 20 triệu đồng.

Ông Đ., chủ hệ thống bảy quán bún bò Huế có tiếng, cũng than thở do ảnh hưởng dịch nên khách đến quán giảm. Bình thường một quán bán được 1.000 tô bún bò nhưng nay giảm còn 300-400 tô/ngày.

"Chi phí mặt bằng không giảm nên đã cho 50% nhân viên nghỉ làm. Chẳng hạn, tại quận Gò Vấp tiền thuê mặt bằng 50 triệu đồng/tháng, do khách giảm nhiều nên giờ quán chỉ còn tám người làm" - ông Đ. cho hay.

Buôn bán ế ẩm không gánh nổi chi phí mặt bằng nên chủ quán này trả mặt bằng trước thời hạn.

Buôn bán ế ẩm không gánh nổi chi phí mặt bằng nên chủ quán này trả mặt bằng trước thời hạn.

Phải trả mặt bằng trước thời hạn hợp đồng, ông Lâm, chủ quán nhậu BD trên đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp, chia sẻ trước tết đã vắng khách, sau tết gặp dịch COVID-19 càng ế ẩm hơn. Lượng khách đến quán giảm 70%-80%, một tuần chỉ bán được vài ngày.

“Lượng khách giảm kéo theo doanh thu giảm. Ví dụ một tháng tôi bán được 900 triệu đồng nay còn 300 triệu đồng nhưng chi phí mặt bằng hơn 100 triệu đồng/tháng, chi phí nhân viên, bảo vệ, bếp tổng cộng hơn 250 triệu đồng. Với hợp đồng ba năm nhưng kinh doanh khó khăn, gồng gánh không nổi nên tôi trả mặt bằng trước thời hạn cho chủ nhà” - ông Lâm nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/dich-covid19-quan-bun-bo-noi-tieng-cung-meo-mat-vi-e-am-897819.html