Dịch COVID-19 sáng 17/4: Hơn 455 triệu người đã bình phục
Du khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington ở Arlington, Virginia (Mỹ) ngày 14/4/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 17/4 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 504.337.880 ca mắc COVID-19, trong đó có 6.221.910 ca tử vong. Số bệnh nhân đã bình phục là 455.004.821 người, trong khi vẫn còn 43.111.149 bệnh nhân đang được điều trị.
Mỹ vẫn là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đến nay ghi nhận 82.309.113 ca mắc và 1.015.441 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận số ca mắc nhiều thứ hai thế giới - với hơn 43 triệu ca, và 521.781 ca tử vong. Với hơn 30,2 triệu ca mắc và 661.993 ca tử vong, Brazil đứng thứ ba thế giới về số ca mắc nhưng đứng thứ hai về số ca tử vong.
Các quốc gia còn lại trong nhóm 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất gồm Pháp (27.684.374 ca), Đức (23.411.577 ca), Anh (21.747.638 ca), Nga (18.064.454 ca), Hàn Quốc (hơn 16,3 triệu ca), Ý (hơn 15,65 triệu ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (hơn 14,9 triệu ca).
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với 186.566.759 ca mắc, trong đó có 1.798.294 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 145,41 triệu ca mắc và 1.415.143 ca tử vong.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 97,38 triệu ca mắc, trong khi Nam Mỹ ghi nhận hơn 56,54 triệu ca. Số ca mắc tại châu Phi hiện là hơn 11,8 triệu ca, trong khi châu Đại Dương ghi nhận hơn 6,45 triệu ca.
Tại châu Á, ngày 17/4, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận 3.504 ca mắc mới COVID-19 có triệu chứng trong ngày 16/4, tập trung chủ yếu ở TP Thượng Hải. Trung tâm tài chính Thượng Hải hiện là tâm dịch của đợt bùng phát mới tại Trung Quốc. Ngày 16/4, thành phố này thông báo ghi nhận 3.238 ca mắc mới có triệu chứng.
Ngoài ra, Thượng Hải cũng có thêm 21.582 ca mắc mới không có triệu chứng trong tổng số 22.512 ca mắc mới không có triệu chứng trong cộng đồng được ghi nhận trên cả nước. Dù hầu hết người dân tại thành phố đang thực hiện lệnh phong tỏa, nhưng số ca mắc mới tại đây vẫn chiếm phần lớn tổng số ca mắc mới ghi nhận ở Trung Quốc đại lục.
Ngoài Thượng Hải, 13 khu vực cấp tỉnh khác ở Trung Quốc đại lục đã ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, trong đó có 167 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm, miền Đông Bắc nước này.
Ủy ban trên cũng cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 1.600 bệnh nhân mắc COVID-19 được xuất viện, nâng số bệnh nhân bình phục lên 149.770 người.
Trong ngày 16/4, một số địa phương ở Trung Quốc bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa mới để ngăn chặn dịch COVID-19. Cụ thể, khu công nghiệp Sân bay Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam, nơi có nhiều cơ sở sản xuất của các công ty lớn như Foxconn, thông báo lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 15/4 và biện pháp này sẽ được điều chỉnh tùy theo tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, TP Tây An ở Tây Bắc Trung Quốc cũng thông báo tạm thời áp lệnh phong tỏa từng phần sau khi ghi nhận hàng chục ca mắc mới COVID-19 trong tháng này.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 100.000 ca vào ngày 17/4 trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm dịch bệnh chậm lại, khi quốc gia Đông Bắc Á này dự kiến sẽ dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội chính trong tuần này.
Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 93.001 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 16.305.752 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 tăng lên 21.092 ca sau khi ghi nhận thêm 203 bệnh nhân không qua khỏi.
Bắt đầu từ ngày 18/4, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ tất cả các quy tắc giãn cách xã hội, ngoại trừ quy định về đeo khẩu trang, trong một bước quan trọng hướng tới trở lại trạng thái bình thường.
Lệnh giới nghiêm đối với các nhà hàng, quán càphê và các cơ sở kinh doanh nhỏ khác sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn, đồng thời giới hạn về quy mô các cuộc tụ tập riêng tư cũng sẽ được bãi bỏ. Nước này cũng có kế hoạch hạ cấp độ dịch COVID-19 xuống cấp độ cao thứ hai trong thang 4 cấp của mình.
Tại châu Đại Dương, Úc có thêm 41.209 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 5.351.477 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 35 ca tử vong, nâng số bệnh nhân không qua khỏi vì COVID-19 lên 6.762 ca. Hiện, vẫn còn 468.033 ca đang được điều trị, trong đó có 134 ca trong tình trạng nguy kịch.