Dịch COVID-19 sáng 2/1: Thế giới đã ghi nhận hơn 84 triệu ca nhiễm
Số ca nhiễm tại Mỹ - nước bị ảnh hưởng nhất thế giới - hiện chiếm 1/4 tổng số ca trên thế giới (20.617.346 ca), trong khi hơn 1/5 số ca tử vong được ghi nhận tại Mỹ (356.445 ca).
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 sáng 2/1, thế giới đã ghi nhận hơn 84 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong đã lên tới 1.834.519 ca.
Số ca nhiễm tại Mỹ - nước bị ảnh hưởng nhất thế giới - hiện chiếm 1/4 tổng số ca trên thế giới (20.617.346 ca), trong khi hơn 1/5 số ca tử vong được ghi nhận tại Mỹ (356.445 ca).
Với số ca nhiễm bằng một nửa của Mỹ (hơn 10 triệu ca), Ấn Độ hiện đang đứng thứ hai. Brazil đứng thứ 3 về số ca nhiễm với hơn 7,7 triệu ca nhưng đứng thứ 2 về số ca tử vong với 195.441 ca, trong khi của Ấn Độ là 149.205 ca.
Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện đã có tới 23.870.517 ca nhiễm và 547.499 ca tử vong, trong khi Bắc Mỹ đứng thứ hai với 23.619.487 ca nhiễm và 517.528 ca tử vong. Châu Á đứng thứ 3 với 20.757.124 ca nhiễm và 338.426 ca tử vong.
Tại châu Âu, Nga ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất (hơn 3,1 triệu ca) nhưng Italy hiện ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (74.621 ca). Pháp đứng thứ hai về số ca nhiễm (2.639.773 ca) nhưng Anh đứng thứ hai về số ca tử vong (74.125 ca).
Các nước Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan và Ukraine đều đã có hơn 1 triệu ca nhiễm trong khi Hà Lan, Cộng hòa Séc, Bỉ và Romania đều ghi nhận hơn 600.000 ca.
Theo số liệu mới nhất, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đã lây lan sang châu Á, khiến gần 30 bệnh nhân nhiễm ở Ấn Độ. Biến thể này đã được phát hiện hồi cuối tháng 12/2020 tại Anh và có tỷ lệ lây lan cao hơn 70% so với chủng gốc.
Tại châu Á, ngoài Ấn Độ đứng đầu, vượt xa về số ca nhiễm và tử vong, Thổ Nhĩ Kỳ đã có hơn 2,2 triệu ca nhiễm trong khi Iran ghi nhận hơn 1,2 triệu ca.
Nếu không tính Ấn Độ, Iran là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất với 55.337 ca. Các nước Indonesia, Iraq, Bangladesh đã ghi nhận trên 500.000 ca nhiễm trong khi Pakistan, Philippines và Israel trên 420.000 ca.
Tại Bắc Mỹ, ngoài Mỹ đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, Mexico đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 125.000 ca tử vong. Số ca nhiễm tại Canada bằng 1/2 tại Mexico (582.697 ca) nhưng số ca tử vong chỉ gần bằng 1/8 (15.606 ca).
Tại Nam Mỹ, 3 nước Colombia, Argentina và Peru đều đã ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm và hơn 37.000 ca tử vong. Đây là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực nếu không tính Brazil.
Châu Phi hiện ghi nhận 2,8 triệu ca nhiễm và hơn 66.000 ca tử vong, trong đó một nửa số ca nhiễm và gần 1/2 số ca tử vong ở Nam Phi. Maroc có hơn 440.000 ca nhiễm và 7.425 ca tử vong, trong khi Tunisia, Ai cập, Ethiopia và Libya đều đã ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong.
Hiện châu Đại Dương ít bị ảnh hưởng nhất của dịch, ghi nhận tổng cộng 48.410 ca nhiễm và 1.059 ca tử vong.
Trong bối cảnh diễn biến dịch liên tục phức tạp, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức đang làm việc với đối tác Pfizer của Mỹ để đẩy mạnh việc sản xuất vắcxin phòng dịch.
Theo nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) BioNTech, ông Ugur Sahin, hiện tình hình cung vaccine không được dồi dào bởi có "những khoảng trống" nhất định vì chưa có vắcxin nào khác được đăng ký lưu hành. Đó là lý do BioNTech và Pfizer đang nghiên cứu khả năng đẩy mạnh thêm năng lực sản xuất và câu trả lời cụ thể sẽ được đưa ra vào cuối tháng 1 này.
Ông cũng nói thêm rằng công ty đang tìm kiếm các đối tác có thể sản xuất vắcxin Pfizer/BioNTech tuy chưa có nhiều công ty có năng lực sản xuất vắcxin đạt chất lượng theo yêu cầu./.