Dịch COVID-19 sáng 30/8: Thế giới vượt 25 triệu ca mắc,'ổ dịch' Ấn Độ lây nhiễm phức tạp
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h30 sáng 30/8 (theo giờ Hà Nội), toàn thế giới đã ghi nhận 25.143.956 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 845.628 ca tử vong.
Nắng nóng trên bãi biển Huntington ở California (Mỹ) ngày 25/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 186.825 trường hợp tử vong trong tổng số 6.136.748 ca nhiễm.
Tiếp đó là Brazil với 120.498 ca tử vong trong số 3.846.965 bệnh nhân và Ấn Độ đứng thứ 3 với 63.657 ca tử vong trên 3.539.712 ca bệnh.
Trong 24 giờ qua, cả Mỹ và Brazil đều ghi nhận thêm trên 30.000 ca bệnh và hơn 800 trường hợp tử vong do COVID-19. Trong khi đó, Ấn Độ hiện đang là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng nhanh nhất thế giới.
Trong 24 giờ qua, quốc gia 1,3 tỷ dân này ghi nhận tới hơn 78.000 nhiễm mới và 944 ca tử vong.
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ấn Độ vẫn quyết định tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa trước sức ép khôi phục nền kinh tế và hàng triệu người mất việc làm.
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, bang Telangana, Ấn Độ ngày 22/8. Ảnh: THX/TTXVN.
Chính phủ Ấn Độ cho biết từ tháng tới sẽ cho phép các cuộc hội họp với 100 người tham gia trong các sự kiện văn hóa, giải trí, thể thao và chính trị nhưng những người tham gia phải đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách.
Bên cạnh đó, dịch vụ tàu điện ngầm cũng được nối lại ở những thành phố lớn. Tuy nhiên, các trường học tại Ấn Độ sẽ tiếp tục đóng cửa.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe là những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với 271.686 ca tử vong trong tổng số 7.137.854 ca nhiễm; tiếp đó là châu Âu 214.884 ca tử vong trên 3.898.042 ca mắc bệnh.
Châu Á có 95.137 ca tử vong trên 4.979.953 ca bệnh; Trung Đông có hơn 35.900 ca tử vong; châu Phi hơn 29.100 ca tử vong và số ca tử vong do Covid-19 tại châu Đại dương là 641 người.
Nhân viên y tế bên trong bệnh viện dã chiến do Bộ Y tế Peru xây dựng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ngày 27/2. Ảnh: AFP.
Xét trên tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi cứ 100.000 người dân có 86 người không qua khỏi đại dịch này; tiếp đó là Bỉ (với tỷ lệ 85 người), Tây Ban Nha (62 người), Anh (61 người) và Italy (59 người).
Tại khu vực Đông Nam Á, trong ngày 29/8, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 3.308 trường hợp, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 169.195 người.
Đây cũng là ngày thứ ba liên tiếp quốc đảo này gia tăng số ca nhiễm mới. Giới chức y tế Indonesia cũng xác nhận thêm 92 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi do COVID-19 tại đây lên 7.261 trường hợp.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 24/8. Ảnh: THX/TTXVN.
Philippines cũng có thêm 3.637 trường hợp mắc bệnh và 94 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong do COVID-19 ở nước này lên lần lượt 213.131 người và 3.419 người.
Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Vũ Hán - tâm dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, ngày 28/8 cho biết các trường trung học, tiểu học và mẫu giáo tại thành phố này sẽ bắt đầu học kỳ mới vào ngày 1/9 tới và sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 29/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN.
Còn tại Hàn Quốc, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC) ngày 29/8 thông báo có thêm 323 ca nhiễm mới, trong đó 308 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.400 ca.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca nhiễm mới theo ngày ở Hàn Quốc duy trì ở mức hơn 300 ca/ngày trong bối cảnh giới chức nước này kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường đồng thời cảnh báo tuần tới có thể là cơ hội cuối cùng để ngăn chặn một đợt bùng phát dịch lớn.
Theo KCDC, số ca tử vong tại Hàn Quốc cũng tăng lên 321 ca sau khi có thêm 5 bệnh nhân tử vong. KCDC cho biết trong số 308 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 244 ca ở khu vực thủ đô Seoul (trong đó thủ đô Seoul có 124 ca, tỉnh Gyeonggi 100 ca và thành phố cảng Incheon 20 ca).
Các thành phố lớn khác cũng báo cáo có thêm các ca nhiễm mới, trong đó thành phố Gwangju có 14 ca, thành phố cảng Busan có 5 ca.
Các bác sĩ tham gia đình công phản đối kế hoạch cải tổ ngành y tại Seoul, Hàn Quốc ngày 26/8/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN.
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản cùng ngày đã xác nhận thêm 247 trường hợp mắc bệnh, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 20.569 trường hợp. Kể từ đầu tháng 8 đến nay, số bệnh nhân mới tính theo ngày ở thành phố 14 triệu dân này luôn được ghi nhận ở mức 3 con số, trong đó mức kỷ lục là 472 trường hợp (ngày 1/8).
Cũng trong ngày 29/8, giới chức bang Victoria của Australia thông báo có thêm 94 ca nhiễm mới và 18 ca tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất trong khoảng 2 tháng qua và lần đầu tiên giảm xuống dưới 100 ca/ngày trong 8 tuần qua ở bang này.
Tuy nhiên, giới chức bang Victoria cho rằng không vội dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Australia đã ghi nhận tổng cộng hơn 25.500 ca mắc Covid-19 và 601 ca tử vong do bệnh này.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 lên xe cứu thương tại ngoại ô thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 27/7. Ảnh: AFP/TTXVN.
Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cùng ngày thông báo sẽ áp dụng các quy định mới nới lỏng các hạn chế được thực thi trước đó để ngăn chặn dịch COVID-19. Các quy định mới dự kiến được áp dụng đến ngày 20/9 tới.
Ông Fernandez nêu rõ kể từ ngày 28/8 chính phủ sẽ cho phép người dân tụ tập ngoài trời tối đa 10 người, nhưng vẫn phải duy trì giãn cách 2m và đeo khẩu trang. Quyết định này sẽ có hiệu lực trên cả nước.
Chính quyền Buenos Aires cũng thông báo kể từ tuần tới sẽ bắt đầu cho phép các nhà hàng phục vụ khách ngoài trời và thành phố đang đánh giá việc nối lại dần hoạt động xây dựng.
Trong khi đó, Thủ tướng Peru Walter Martos đã gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 30/9, đồng thời ban hành biện pháp cách ly xã hội tại một số địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19.
Theo quyết định mới nhất, các tỉnh Cusco, Moquegua, Puno và Tacna vẫn sẽ được đặt trong tình trạng cách ly xã hội. Tại 4 địa phương này, chính quyền chỉ cho phép mở cửa những cơ sở kinh doanh hàng hóa và dịch vụ cơ bản, chẳng hạn như cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc, cũng như một số công ty có giấy phép hoạt động đặc biệt.
Peru trước đó tuyên bố duy trì việc đóng cửa biên giới và giới nghiêm ban đêm có hiệu lực từ ngày 16/3, đồng thời kéo dài tình trạng khẩn cấp về y tế đến ngày 7/12.
Cảnh sát chống bạo động bắt một số người biểu tình ở Berlin, Đức, ngày 29/8. Ảnh: Reuters.
Tại Đức, cảnh sát ở thủ đô Berlin ngày 29/8 thông báo giải tán sớm các cuộc biểu tình đang diễn ra ở khu vực trung tâm thành phố do người biểu tình không tuân thủ các quy định phòng dịch COVID-19, đặc biệt là việc giữ khoảng cách.
Cảnh sát được triển khai tại khu vực biểu tình đã sử dụng loa để yêu cầu người biểu tình nhanh chóng giải tán, song ở một vài con phố, người biểu tình đã tìm cách chống đối và tuyên bố sẽ ở lại khu vực biểu tình.
Tính đến trưa 29/8, ước tính có khoảng 18.000 người tham gia các cuộc biểu tình ở khu vực trung tâm, gần khu vực Cổng thành Brandenburg.
Cảnh sát gồm khoảng 3.000 người đã được triển khai cùng nhiều phương tiện, trong đó có vòi rồng, máy bay trực thăng để ghi hình từ trên không,... nhằm ứng phó với mọi tình huống trong cuộc biểu tình.
Các cuộc biểu tình này được hô hào tổ chức nhằm phản đối các quy định của chính quyền, vốn được áp đặt nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Bộ Y tế Anh thông báo sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế liên quan dịch COVID-19 tại các khu vực Greater Manchester, Lancashire và Tây Yorkshire. Tuy nhiên, các quy định phong tỏa nghiêm ngặt hiện nay sẽ kéo dài thêm 2 tuần tại thành phố Leicester.