Dịch COVID-19: Số ca tử vong tại Mỹ Latinh vượt mốc 1 triệu
Ảnh minh họa - Nguồn: AFP/TTXVN
Số ca tử vong do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại khu vực Mỹ Latin và Caribe đã vượt mốc 1 triệu trong ngày 21/5.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ Latin và Caribe (gồm 29 quốc gia) với ổ dịch đầu tiên phát hiện tại TP Sao Paulo của Brazil cuối tháng 2/2020, khu vực này đến nay đã ghi nhận hơn 31,5 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1.001.781 ca tử vong - chiếm gần 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu.
Gần 89% số ca tử vong này tập trung ở 5 quốc gia: Brazil (44,3%), Mexico (22,1%), Colombia (8,3%), Argentina (7,3) và Peru (6,7%). Trong khi đó, Trung Mỹ ghi nhận 3% tổng số ca tử vong và khu vực Caribe ghi nhận 1%.
Tổng thống Argentina - ông Alberto Fernandez ngày 21/5 thừa nhận quốc gia này đang phải đối mặt "thời điểm tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19. Để ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, Argentina đã áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước trong vòng 9 ngày kể từ ngày 22/5.
Trong khi đó, Chính phủ Colombia quyết định ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài đã ở Ấn Độ trong 14 ngày gần nhất để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Quyết định này sẽ có hiệu lực cho đến hết tháng 6 tới.
Theo Bộ Y tế Colombia, các công dân nước này trở về từ Ấn Độ sẽ được phép nhập cảnh, song phải tuân thủ các thủ tục y tế nghiêm ngặt hơn và phải cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), khu vực Mỹ Latin đang thiếu nguồn cung vắcxin ngừa bệnh COVID-19, cũng như vật tư y tế cần thiết trong cuộc chiến chống đại dịch này. Khu vực này hiện mới chỉ hoàn tất tiêm chủng cho 3% dân số.
Giám đốc PAHO, bà Carissa Etienne đã kêu gọi người dân Mỹ Latin tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế phòng dịch COVID-19, bao gồm sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách, vệ sinh tay, đồng thời khuyến nghị người dân tham gia tiêm phòng vắcxin ngay khi có thể.
Trong khi đó, bà Samira Asma - một quan chức thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết con số thực tế về số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu "có thể cao gấp 2-3 lần so với báo cáo chính thức”.
Trưa 22/5, Bộ Y tế Campuchia thông báo nước này ghi nhận thêm 488 ca mắc mới bệnh COVID-19, trong đó 473 ca lây nhiễm cộng đồng và 15 ca nhập cảnh. Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn thông báo của bộ trên cho biết có thêm 640 người đã khỏi bệnh và 2 trường hợp tử vong. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 24.645 ca mắc COVID-19, trong đó 17.164 người đã hồi phục và 167 người tử vong.
Trong khi đó, tại Lào, chiều cùng ngày, Bộ Y tế cho biết nước này ghi nhận 19 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca lây nhiễm cộng đồng và 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, đại diện Bộ Y tế Lào cho biết trong 9 ca lây nhiễm trong cộng đồng ở thủ đô Vientiane có 7 ca là người trong một gia đình, đồng thời cảnh báo về tình trạng số ca F0 không thể truy dấu ngày càng tăng trong tuần qua. Đại diện Bộ Y tế Lào cũng cho biết dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng tại thủ đô Vientiane, do vậy người dân phải tăng cường cảnh giác, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, nếu không có việc cấp thiết, không nên rời khỏi nhà. Nếu có các triệu chứng mắc bệnh COVID-19, không nên tự mua thuốc điều trị mà nhanh chóng đến bệnh viện để được khám chữa, đồng thời tránh nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Đại diện Bộ Y tế Lào còn thể hiện quan ngại về biến thể được phát hiện tại Ấn Độ đã lây lan sang các nước láng giềng, đồng thời khẳng định Lào đang có nguy cơ rất cao lây nhiễm biến thể này. Quan chức này cho biết dù số ca nhiễm đang ghi nhận ở mức thấp, Chính phủ Lào vẫn chuẩn bị cơ sở vật chất và nguồn nhân lực để ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng dịch thứ 3 tại nước này. Tính tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.782 ca bệnh, trong đó đã chữa khỏi cho 1.025 người và 2 trường hợp tử vong.
Trong diễn biến khác, Viện Robert Koch của Đức ngày 21/5 đã đưa Anh vào danh sách khu vực bùng phát biến thể, theo đó yêu cầu những người đến từ Anh phải cách ly trong vòng 2 tuần sau khi nhập cảnh. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 xuất hiện tại Ấn Độ đang gia tăng tại Anh.
Quyết định có hiệu lực từ 22 giờ ngày 22/5 (theo giờ GMT), áp dụng với mọi hành khách đến từ Anh, kể cả những người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, những người đã được tiêm đầy đủ vắcxin và những người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19.
Chỉ công dân Đức và người sinh sống tại Đức trở về từ Anh được phép nhập cảnh. Các công ty vận tải hành khách đường hàng không, đường sắt và xe buýt không được phép chở các hành khách khác từ Anh đến Đức.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cũng bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh tại Anh và nhấn mạnh ưu tiên ngăn chặn nguy cơ biến thể Ấn Độ xâm nhập và lây lan trong nước. Ông đánh giá làn sóng COVID-19 thứ 3 tại Đức đang giảm dần, nhiều hoạt động trong cộng đồng đã được nối lại nhưng người dân vẫn cần phải thận trọng vì đại dịch vẫn chưa kết thúc.
Ngày 19/5, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo quốc gia này ghi nhận 2.967 ca nhiễm biến thể B.1.617.2, chủ yếu ở thủ đô London và phía Tây của vùng England, chiếm 30% tổng số ca mắc mới ghi nhận kể từ ngày 17/5.
Tới nay, Chính phủ Anh vẫn tin tưởng sẽ thực hiện đúng lộ trình mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 21/6 tới sau khi thực hiện thành công chương trình tiêm chủng đại trà.
Giới chức TP Bordeaux (Pháp) đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại khu vực dân cư mới đây ghi nhận tới gần 50 ca nhiễm một biến thể "rất hiếm gặp”. Theo cố vấn y tế khu vực, Patrick Dehail, tất cả người trưởng thành ở khu vực Bacalan, phía bắc TP Bordeaux, sẽ được tiêm chủng trong cuối tuần này hoặc muộn nhất là vào tuần tới.
Hiện cơ quan y tế vùng đang làm việc với Bộ Y tế Pháp để bổ sung vắcxin cho chương trình tiêm chủng tại địa phương và tiến tới mở rộng phạm vi tiêm chủng ra các khu vực khác ở TP Bordeaux.
Theo quan chức này, biến thể được phát hiện ở người dân trong vùng đã từng được ghi nhận tại Pháp trước đây, có liên quan tới biến thể tại Anh. Rất ít ca nhiễm biến thể này được ghi nhận tại Pháp, cho tới gần đây khi mẫu phân tích của ít nhất 46 người mắc COVID-19 tại Bordeaux cho kết quả dương tính với biến thể trên.
Hiện các ca nhiễm biến thể này đều không phải nhập viện điều trị nhưng cơ quan chức năng vẫn đang khẩn trương xét nghiệm để phát hiện sớm các ca mắc bệnh.
Chương trình tiêm chủng tại Bordeaux là một ngoại lệ vì tại Pháp, việc tiêm phòng COVID-19 vẫn đang thực hiện giới hạn trong nhóm trên 50 tuổi. Những người dưới độ tuổi này có thể được tiêm nếu kịp đặt chỗ khi nhà chức trách thông báo vào phút chót rằng có các mũi tiêm chưa được dùng đến.
Từ ngày 31/5, Pháp sẽ mở rộng đối tượng tiêm phòng cho tất cả người trưởng thành.