Dịch COVID-19 tại ASEAN đến hết ngày 25/3: Thái Lan cấm nhập cảnh, Campuchia cân nhắc hoãn Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu
Tính tới hết ngày 25/3, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 5.063 ca nhiễm, trong đó có 121 ca tử vong vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các nước tiếp tục thắt chặt kiểm soát dịch bệnh.
Tại Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin Yassi ngày 25/3 đã gia hạn lệnh phong tỏa thêm hai tuần đến ngày 14/4 tới trong bối cảnh các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng tại quốc gia Đông Nam Á này. Lệnh hạn chế đi lại ban đầu dự kiến kéo dài đến ngày 31/3. Ông cũng thông báo rằng gói kích thích kinh tế sẽ được công bố vào ngày 27/3 tới.
Tính tới hết ngày 25/3, Malaysia đã xác nhận thêm 172 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus chết người này lên 1.796 người, với 19 ca tử vong.
Tại Thái Lan, tất cả người nước ngoài đều không được nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này theo sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc có hiệu lực từ nửa đêm 25/3 đến ngày 30/4 tới. Sắc lệnh do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha công bố. Theo đó, sắc lệnh chỉ cho phép ngoại lệ là những người giao nhận hàng, các nhà ngoại giao, lái xe, phi công và những trường hợp khác được Thủ tướng cho phép. Người Thái Lan mắc kẹt ở nước ngoài vẫn sẽ được phép về nước.
Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul cho biết lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh nói trên là nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm bệnh mới từ nước ngoài vào Thái Lan. Ngoài ra, chính phủ nước này còn cấm các hoạt động tập trung đông người nơi công cộng, cũng như khuyến cáo trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 70 tuổi nên ở nhà.
Sáu sân bay quốc tế của Thái Lan cũng đang cho áp dụng giãn cách xã hội để hạn chế khả năng lây nhiễm. Hãng hàng không quốc gia của Thái Lan là Thai Airways cũng đã ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế từ ngày 25/3. Cũng từ 25/3, tất cả các hành khách sử dụng tàu điện tại Thái Lan bao gồm cả tàu điện ngầm và tàu điện trên cao đều phải đeo khẩu trang.
Trong khi đó, tình hình ở COVID-19 ở Indonesia diễn biến xấu hơnkhi có ca tử vong cao nhất Đông Nam Á với 58 ca trong tổng số 790 ca nhiễm bệnh. Theo tờ Jakarta Post, các chuyên gia dự báo trên 70.000 người Indonesia có thể sẽ nhiễm virus vào thời điểm lễ Ramadan và Idul Fitri, khi hàng triệu người Hồi giáo thường về quê.
Tuy nhiên, giới chức Indonesia chưa áp đặt biện pháp phong tỏa. Hai lý do mà chính phủ đưa ra là đặc điểm và nguyên tắc văn hóa của người Indonesia. Tổng thống Koko Widodo nói: “Tôi đã thu thập dữ liệu về các nước đã áp đặt phong tỏa, và sau khi phân tích, tôi cho rằng ta không nên làm như vậy”. Ông Widodo cho rằng giãn cách xã hội vẫn là giải pháp khả thi nhất với tình hình khẩn cấp y tế hiện nay.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ký ban hành luật cho phép Tổng thống thực thi các biện pháp khẩn cấp đối phó với dịch COVID-19. Luật trên đã được Quốc hội Philippines thông qua sau một phiên họp đặc biệt kéo dài hôm 23/3.
Người phát ngôn của Tổng thống Duterte cho biết luật này trao cho Tổng thống "các quyền hạn sẵn sàng hành động để triển khai hiệu quả chính sách quốc gia ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19". Theo đó, trao quyền cho tổng thống tạm thời chỉ đạo các hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân phục vụ lợi ích chung khi cần thiết.
Đến hết ngày 25/3, Philippines đã ghi nhận 636 ca mắc COVID-19, trong đó 38 người tử vong.
Tại Campuchia ngày 25/3, Thủ tướng Samdech Hun Sen đã tuyên bố hủy tất cả các hội nghị quốc tế ở nước này, đồng thời yêu cầu các quan chức dừng tham dự các cuộc gặp và hội nghị ở nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Thủ tướng Hun Sen cũng đang xem xét lùi thời gian tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu sang năm 2021.
Trong bối cảnh 15.000 công nhân Campuchia vừa trở về từ Thái Lan, lực lượng chức năng nước này đang khoanh vùng và xác định tình trạng y tế của các công nhân này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng, nếu có từ hai người lao động trở về dương tính với virus SARS-CoV-2, giới chức sẽ cách ly cả ngôi làng. Ông Sar Kheng cho biết đã đề xuất biện pháp này với Thủ tướng Hun Sen.
Campuchia ngày 25/3 đã lại phát hiện thêm hai người nước ngoài ở tỉnh Preah Sihanouk có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số người bị mắc COVID-19 tại nước này lên con số 93.
Thủ tướng Hun Sen khẳng định Campuchia sẽ điều trị miễn phí cho người nước ngoài mắc dịch bệnh nguy hiểm này. Ông Hun Sen tuyên bố: “Bất cứ ai trên lãnh thổ Campuchia bị mắc COVID-19 đều phải được chữa bệnh miễn phí, người nước ngoài sẽ không phải đóng tiền”.
Tại Lào, Bộ Y tế nước này chiều 25/3 đã thông báo ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19. Như vậy, Lào đã có 3 ca mắc COVID-19, sau khi phát hiện 2 ca đầu tiên ngày 24/3.
Thứ trưởng Y tế Lào, Phounthone Meuangpak cho biết ca bệnh mới là nam giới, 26 tuổi, là doanh nhân và sinh sống tại thủ đô Viêng Chăn. Bệnh nhân này trước đó đã cùng đi ăn với bệnh nhân số 2 - người làm tại một khách sạn 5 sao ở thủ đô Viêng Chăn.
Hiện giới chức Lào vẫn điều tra lịch sử tiếp xúc của cả 3 bệnh nhân COVID-19 ở nước này để thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin chính phủ nước này dự kiến sẽ công bố kế hoạch nhằm thực hiện các biện pháp đối phó kịp thời với nguy cơ nhiễm bệnh tại các trại dành cho người sơ tán trong nước (IDP). Theo số liệu thống kê được công bố hồi tháng 1, có 128 trại IDP cung cấp chỗ ở cho 184.333 người tại 24 thị trấn.
Tại Việt Nam, tính đến hết ngày 25/3, số ca mắc bệnh COVID-19 là 141, tăng 7 ca so với ngày hôm trước. Việt Nam chưa có ca tử vong. 17 bệnh nhân đã xuất viện.