Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 18/11: Số ca tử vong tăng trở lại ở Indonesia; Myanmar chưa 'hạ nhiệt'
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 18/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.920 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 25.558 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN vẫn có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” vẫn duy trì đà tăng nhiệt sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Philippines dịch vẫn diễn biến xấu, số ca mắc mới cao, song số ca tử vong tiếp tục đà giảm những ngày gần đây. Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận 660 ca bệnh phát sinh và 4 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh đang ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên ASEAN này hiện rất đáng lo ngại với 1.592 ca bệnh mới và 25 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 25.558 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 234 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.078.351ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 932.419 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Có Lào, Brunei và Timor Leste là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 18/11.
Diễn biến dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 18/11:
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Thái Lan ngày 18/11 đã quyết định gia hạn sắc lệnh khẩn cấp thêm 45 ngày, từ ngày 1/12/2020 đến 15/1/2021, nhằm kiềm chế dịch bệnh.
Theo người phát ngôn CCSA Kaweesi Visanuyothin, CCSA cũng quyết định về nguyên tắc giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống 10 ngày.
Nội các Thái Lan ngày 17/11 đã cho phép Bộ Y tế nước này chi 6 tỷ baht (khoảng 200 triệu USD) và dự trữ 26 triệu liều vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Công ty dược sinh học AstraZeneca của Anh.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Anucha Burapachaisri cho biết số tiền trên được lấy từ ngân sách khẩn cấp dành cho việc mua vaccine hiện đang được AstraZeneca thử nghiệm. Ngân sách này sẽ được phân bổ cho hai đơn vị là Viện Vaccine Quốc gia để phát triển vaccine và Cục Kiểm soát Dịch bệnh để mua sắm và quản lý vaccine.
Ông Anucha cho biết Chính phủ Thái Lan sẽ mua vaccine của Công ty AstraZeneca vì Bộ Y tế đã ký Biên bản ghi nhớ với công ty này, theo đó AstraZeneca đồng ý sản xuất vaccine này với sự hợp tác của Công ty Sinh học Siam Bioscience của Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan đã chỉ thị cho Viện Vaccine Quốc gia mua vaccine ngừa COVID-19 cho 20% dân số hoặc khoảng 13 triệu người. Theo Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, việc đặt trước để sản xuất theo đơn đặt hàng đảm bảo rằng Thái Lan sẽ tiếp cận được vaccine này ngay khi vaccine này nhận được phê duyệt an toàn ở Anh.
Ngoài ra, hợp đồng với AstraZeneca cho phép Thái Lan sản xuất thêm vaccine tại nhà máy ở Pathum Thani. Chính phủ Thái Lan tin rằng thỏa thuận này đảm bảo vaccine sẽ có sẵn cho tất cả mọi người có nhu cầu ở Thái Lan và các nước lân cận.
Bộ Y tế Thái Lan cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Đại học Oxford và đối tác AstraZeneca để đảm bảo cho các quyền đặc biệt liên quan đến việc sử dụng công nghệ trong nỗ lực biến Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất và phân phối vaccine trong khu vực.
Theo dự đoán của các chuyên gia, nhiều quốc gia sẽ có nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm sau. Bộ Y tế Thái Lan dự kiến có thể cung cấp vaccine cho một nửa dân số Thái Lan trong vòng hai năm.
Báo The Star đưa tin, Malaysia và Trung Quốc vừa ký thỏa thuận về việc tăng cường hợp tác trong việc phát triển và tiếp cận sử dụng vaccine ngừa COVID-19.
Thỏa thuận, được ký theo hình thức trực tuyến giữa Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin và người đồng cấp Trung Quốc Wang Zhigang hôm 18/11, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Thỏa thuận sẽ được thực thi dưới sự giám sát của một ủy ban cấp cao do Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đứng đầu.
Thông cáo chung được phát đi cùng ngày cho biết, theo thỏa thuận, Malaysia sẽ được quyền ưu tiên tiếp cận vaccine COVID-19 do Trung Quốc phát triển, được chia sẻ kiến thức, công nghệ để có thể phát triển vaccine tại Malaysia. Thỏa thuận này trước mắt có thời hạn trong 5 năm, sau đó sẽ được hai bên xem xét tiếp.
Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishammuddin cho rằng đây là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ hậu COVID-19.