Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 19/10: Philippines 'hạ nhiệt'; Ca mắc mới tăng nhanh ở Malaysia, Myanmar
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 19/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 8.071 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 20.520 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 4 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Myanmar. Indonesia đã vượt qua Philippines để dẫn đầu các nước thành viên hiệp hội về tổng số ca mắc bệnh.
Indonesia cũng là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này trong ngày ghi nhận số ca bệnh cũng như tử vong mới cao nhất khu vực. Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” chưa hề thấy dấu hiệu “hạ nhiệt” sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây.
Malaysia tình hình đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang hiện hữu khi nước này ghi nhận trên 865 ca bệnh phát sinh và 3 ca tử vong trong 1 ngày qua.
Myanmar dịch bệnh cũng ngày càng nghiêm trọng với việc nhiều ngày liền ghi nhận số ca mắc và tử vong đều tăng nhanh. Tình hình tại quốc gia thành viên này hiện rất đáng quan ngại với 1.180 ca bệnh mới và 34 người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trong 1 ngày qua.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 20.521 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 169 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 846.205 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 693.657 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Cùng ngày, Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 19/10.
Số liệu dịch bệnh COVID-19 tại khu vực ASEAN ngày 19/10:
Tại Thái Lan, các quan chức tỉnh Tak ở miền Bắc nước này đã thông báo đóng cửa biên giới với Myanmar trong vòng 1 tuần - từ chiều 18/10 đến sáng 25/10 - đối với hàng hóa quá cảnh nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19.
Các cuộc xét nghiệm trước đó tại huyện Mae Sot cho thấy có 3 lái xe người Myanmar và 5 cư dân sinh sống ở gần cộng đồng Madina nhiễm COVID-19. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul ngày 18/10 đã tới Mae Sot và kêu gọi người dân địa phương không hoảng loạn.
Ông Anutin khẳng định những biện pháp kiểm soát dịch bệnh, bao gồm kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm, đang phát huy tác dụng và ngăn chặn hầu hết các ca nhiễm nhập cảnh. Tuy nhiên, ông Anutin cũng bày tỏ lo ngại rằng những vụ vượt biên trái phép vẫn có thể gây ra mối đe dọa, sau khi các nhà chức trách tuần tra biên giới hôm 18/10 bắt giữ 12 công dân Thái Lan vượt qua trạm kiểm soát khi họ đi từ Myawaddy (Myanmar) đến Mae Sot. Nhóm người này cho biết họ đang làm việc ở Myanmar, nhưng thuê một chiếc thuyền đưa họ qua sông đến Mae Sot từ Myawaddy do lo ngại về dịch bệnh bùng phát ở đó.
Trước đó, chính quyền huyện Mae Sot đã thông báo phong tỏa địa phương này từ ngày 17/10 để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, theo đó các trường học đóng cửa trong 7 ngày, các nghi lễ tôn giáo đình chỉ.
Các nhà chức trách Thái Lan cũng đang tăng cường giám sát dọc theo 542 km biên giới với Myanmar sau khi Thái Lan ngày 18/10 thông báo 7 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó có 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng giữa các công dân Myanmar ở Mae Sot; một trường hợp là một tài xế xe tải nhập cảnh từ Myanmar vào Thái Lan hôm 16/10; các trường hợp còn lại được ghi nhận trong khu cách ly.
Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vừa tổ chức hội nghị bàn tròn cấp cao nhằm thảo luận về các hành động tăng tốc giải quyết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Diễn ra trong khuôn khổ sự kiện công bố Hướng dẫn ASEAN về bảo trợ xã hội nhằm tăng cường khả năng chống chịu với thiên tai, hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý thiên tai, y tế và phát triển phúc lợi xã hội từ các nước ASEAN, cũng như các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, tổ chức tư vấn và các đối tác.
Bộ tài liệu này là kết quả hợp tác giữa ba lĩnh vực nói trên với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), và Chính phủ Canada. Được xây dựng trong giai đoạn 2017-2019, Hướng dẫn cung cấp khuôn khổ, các nguyên tắc và các cân nhắc quan trọng đối với các chương trình bảo trợ xã hội nhằm nâng cao khả năng ứng phó.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng văn hóa - xã hội Kung Phoak nhấn mạnh rằng việc xây dựng và thực hiện Hướng dẫn sẽ giúp thúc đẩy các hành động nhất quán giữa các lĩnh vực, nhất là triển khai Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER), Tuyên bố ASEAN, Khuôn khổ khu vực về bảo trợ xã hội, Chương trình nghị sự ASEAN về phát triển y tế giai đoạn sau năm 2015, và các khuôn khổ khu vực khác.
Ông Hernando Caraig, Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Philippines – quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai (ACDM) – đánh giá rằng tài liệu này sẽ cho phép các hệ thống bảo trợ xã hội thích ứng và hòa nhập hơn để dự báo và đáp ứng nhu cầu của các nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
Về phần mình, Phó trưởng Phái bộ EU tại ASEAN Lukas Gajdo đánh giá cao việc ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc xây dựng các cơ chế bảo trợ xã hội nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19.
Theo ông Lukas, COVID-19 đã giáng đòn mạnh vào nền kinh tế ASEAN và thế giới; đe dọa an ninh lương thực, sinh kế và tác động đến các nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và thanh niên. Do vậy, việc bảo vệ các đối tượng này đòi hỏi bảo trợ xã hội phải vượt ra ngoài các mục tiêu xóa đói giảm nghèo và Hướng dẫn sẽ giúp đạt được mục tiêu này.