Dịch Covid-19: Thế giới ghi nhận gần 196.000 ca tử vong, ca nhiễm mới ở Ấn Độ tăng kỷ lục
Trên thế giới đã có hơn 2,7 triệu người nhiễm bệnh Covid-19 và gần 196.000 ca tử vong, Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kỷ lục.
Theo thống kê của trường Đại học Johns Hopkins, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu hiện là 2.790.986 và 195.920 ca tử vong vì mắc bệnh Covid-19.
Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 890.524 người nhiễm và 51.017 ca tử vong, tăng lần lượt 17.387 và 1.269.
Tây Ban Nha xác nhận thêm 6.740 ca nhiễm bệnh Covid-19, mức tăng cao nhất trong 9 ngày qua, nâng tổng số lên gần 220.000, trong đó hơn 22.500 người chết.
Tây Ban Nha báo cáo thêm 367 ca tử vong mới, giảm so với 440 ca hôm qua và là mức thấp nhất trong hơn 1 tháng qua. Tây Ban Nha là vùng dịch lớn thứ hai và là vùng chết chóc thứ ba thế giới, sau Mỹ và Italia.
Quan chức y tế Tây Ban Nha tin rằng đại dịch tại nước này đã qua đỉnh hôm 2/4, gần 3 tuần sau khi chính phủ áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, buộc gần 47 triệu người dân ở nhà để làm chậm virus lây lan. Lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha sẽ kéo dài đến ngày 9/5 nhưng một số quy định được nới lỏng từ ngày 26/4 như cho phép trẻ em ra ngoài trong khoảng thời gian nhất định.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia ngày 24/4 công bố nước này ghi nhận thêm 3.021 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên 192.994 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 25.969 trường hợp (tăng 420 ca) và số ca hồi phục là 60.498 ca (tăng 2.922 ca). Cơ quan Bảo vệ dân sự cũng cho biết Italia hiện có 22.068 ca nhập viện với các triệu chứng, trong đó số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm với 2.173 ca, giảm 94 trường
Chính phủ Italia áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngầy 9/3, buộc người dân phải ở nhà, hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa, gây áp lực lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba khu vực đồng euro. Chính quyền dự kiến nới phong tỏa từ ngày 4/5.
Pháp xác nhận thêm 1.645 ca nhiễm và 389 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 159.828 và 22.245.
Pháp áp lệnh phong tỏa từ 17/3 đến 11/5. Một số trường học sau 11/5 sẽ nối lại hoạt động nhưng những cơ sở quán cà phê và nhà hàng dự kiến tiếp tục đóng cửa.
Đức báo cáo 143.464 ca nhiễm và 5.760 ca tử vong, tăng lần lượt 1.870 và 185. Đức được đánh giá phản ứng nhanh với Covid-19 và bước đầu kiểm soát được dịch. Tuy nhiên, Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 mới ở giai đoạn đầu và đại dịch dường như sẽ thành một phần cuộc sống trong thời gian dài.
Chính phủ Đức nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa, song yêu cầu người dân tiếp tục duy trì "cách biệt cộng đồng" đến 3/5 và gấp rút tăng cường khả năng đối phó với đợt bùng phát thứ hai. Merkel và thủ hiến 16 bang dự kiến họp ngày 30/4 để đưa ra các biện pháp ứng phó tiếp theo.
Anh phát hiện thêm 5.386 ca nhiễm mới Covid-19, tăng so với mức 4.583 một ngày trước đó, nâng tổng số lên 143.464. Nước này ghi nhận 19.506 ca tử vong, tăng 684 trường hợp. Anh chỉ tính những trường hợp chết trong bệnh viện, nên số liệu thực tế có thể cao hơn vì nhiều người qua đời tại nhà và viện dưỡng lão.
Chỉnh phủ Anh đã áp lệnh phong tỏa hơn một tháng, khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa và người dân được yêu cầu ở nhà nếu không có việc cần thiết. Chính phủ dự kiến xem xét lại lệnh phong tỏa vào ngày 7/5.
Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận hơn 1.600 ca nhiễm bệnh Covid-19 trong 24 giờ qua, mức tăng hàng ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 23.000.
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 24/4 cho biết nước này có thêm 1.684 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đánh dấu ngày thứ sáu liên tiếp phát hiện hơn 1.000 ca nhiễm mới hàng ngày. Ấn Độ hiện ghi nhận tổng cộng 23.077 ca nhiễm bệnh Covid-19, trong đó 723 người đã tử vong, tăng thêm 37 ca so với một ngày trước đó.
Bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ, đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19 nặng nề nhất cả nước với 6.430 ca nhiễm và 283 người chết. Bang Gujarat và khu vực Lãnh thổ thủ đô quốc gia Delhi, bao gồm thủ đô New Delhi, cũng ghi nhận ca nhiễm cao.
Lệnh phong tỏa toàn quốc được áp đặt ở Ấn Độ từ ngày 25/3 và sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 3/5. Người nghèo Ấn Độ được cho là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thất nghiệp và cũng không có phương tiện giao thông công cộng để trở về quê nhà./.