Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ Latinh
Ngày 11/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Mexico đang vào giai đoạn đỉnh điểm, theo đó khuyến cáo chính phủ nước này triển khai các biện pháp khẩn cấp để ứng phó.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong cuộc họp trực tuyến, cố vấn quốc tế của WHO về các trường hợp khẩn cấp y tế, Jean-Marc Gabastou, khuyến nghị Chính phủ Mexico tăng khả năng chẩn đoán, xét nghiệm để xác định giai đoạn đỉnh điểm và suy giảm của dịch. Chuyên gia này cảnh báo Mexico dễ bị tổn thương cao do trên 70% dân số nước này mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp, ung thư, thừa cân và béo phì.
Đại diện của WHO và PAHO nhấn mạnh hệ thống y tế Mexico cần chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với tình huống các ca bệnh tăng mạnh, theo đó không nên nới lỏng các biện pháp y tế phòng dịch vào thời điểm này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico thông báo thêm 4.790 ca mắc COVID-19 và 587 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 133.974 ca, trong đó có 15.944 ca tử vong. Ngoài ra có 55.700 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đến nay, Mexico đã tiến hành 381.139 xét nghiệm. Chính phủ Mexico ngày 31/5 đã dỡ bỏ giãn cách xã hội sau 2 tháng triển khai, và từ ngày 1/6 đã từng bước mở cửa lại nền kinh tế.
Nhằm giúp đỡ những người làm việc trong ngành điện ảnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 3 nhà làm phim hàng đầu Mexico từng giành giải Oscar gồm Guillermo del Toro, Alejandro Gonzalez Inarritu và Alfonso Cuaron ngày 11/6 công bố một quỹ hỗ trợ mang tên “Sifonoforo” (Quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho ngành điện ảnh). Với sự ủng hộ của Viện Hàn lâm điện ảnh Mexico và hơn 40 công ty sản xuất, cùng diễn viên và doanh nhân Salma Hayek, quỹ này đã quyên góp được 10 triệu peso (khoảng 455.000 USD) và sẽ hỗ trợ 20.000 peso cho mỗi nhân viên kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
* Tại Brazil, do tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19, số người đệ đơn đề nghị chi trả bảo hiểm thất nghiệp tăng lên gần 1 triệu người chỉ trong tháng 5 vừa qua, mức kỷ lục từ trước tới nay.
Bộ Kinh tế Brazil ngày 11/6 công bố số liệu cho biết trong tháng 5 vừa qua có 960.258 người đề nghị được chi trả bảo hiểm thất nghiệp, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất kể từ khi số liệu này bắt đầu được cập nhật trong suốt 20 năm qua. Theo đó, tổng số đơn đề nghị được chi trả bảo hiểm thất nghiệp trong 5 tháng đầu năm tại nước này lên tới 3,3 triệu trường hợp, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 12,4%.
Trong khi đó, theo số liệu chính thức của Cơ quan Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế số 1 ở khu vực Mỹ Latinh này tăng 12,6% chỉ trong vòng 3 tháng tính đến tháng 4, tương đương 12,8 triệu người, trong khi tỷ lệ tham gia thị trường lao động giảm xuống mức chưa từng có với 25,6%.
Brazil hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất khu vực Mỹ Latinh do dịch COVID-19. Theo số liệu của Bộ Y tế Brazil, tính tới ngày 11/6 nước này ghi nhận hơn 802.000 người nhiễm, trong đó số ca tử vong lên tới gần 41.000 người.
* Tại Peru, Bộ Nội vụ thông báo ít nhất 9.900 cảnh sát mắc COVID-19, trong đó 170 người tử vong. trong khi làm nhiệm vụ đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng dịch. Đa số các ca mắc ở thủ đô Lima, nơi chiếm hơn 50% số ca mắc của cả nước. Theo Bộ Nội vụ Peru, hiện khoảng 80.000 cảnh sát đang thực hiện nhiệm vụ quan trọng này trên cả nước.
Đến nay, Peru – nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi dịch COVID-19 tại Mỹ Latinh sau Brazil – ghi nhận hơn 208.000 ca mắc, trong đó có 6.000 ca tử vong.
* Bộ Phát triển Xã hội Chile thông báo người đứng đầu bộ này, ông Cristian Monckeberg đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo thông báo chính thức, Bộ trưởng Monckeberg sẽ thực hiện cách ly trong 14 ngày theo quy định dù không có triệu chứng bệnh và sức khỏe vẫn ổn định.
Bộ trưởng Monckerberg là thành viên thứ 3 trong nội các của Chile dương tính với SARS-CoV-2, sau Bộ trưởng Công trình Công cộng Alfredo Moreno và Bộ trưởng Năng lượng Juan Carlos Jobet.
Trong 24 giờ qua, Chile ghi nhận thêm 5.596 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 154.092, trong đó 2.648 ca tử vong.