Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh ở châu Âu
Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh ở châu Âu khi nhiều nước tại châu lục này đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất với tỷ lệ mắc COVID-19 cao trong 7 ngày qua.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/11 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 257.389.375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.162.733 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 463.547 và 5.358 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 232.337.500 người, 19.889.142 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.364 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 63.924 ca, Anh đứng thứ hai với 40.941 ca, tiếp theo là Nga 37.120 ca. Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.254 người chết trong ngày; tiếp theo là Ukraine 564 ca và Ba Lan 382 ca tử vong.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Budapest, Hungary. Ảnh: AFP
Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh ở châu Âu khi nhiều nước tại châu lục này đang trải qua giai đoạn dịch bệnh tồi tệ nhất với tỷ lệ mắc COVID-19 cao trong 7 ngày qua.
Áo trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng tái phong tỏa toàn quốc và tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt buộc đối với tất cả người dân. Trong khi đó tại Đức, Viện Robert Koch (RKI) ngày 20/11 đã cảnh báo những nguy cơ từ làn sóng thứ 5 vào mùa Đông này, khi chỉ số lây nhiễm trung bình 7 ngày xét trên 100.000 dân ở Đức hiện ở mức cao kỷ lục.
Tại Cộng hòa Séc, ngày 20/11, Bộ Y tế nước này cho biết ghi nhận 22.936 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, con số theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Tại nước láng giềng của Séc là Slovakia, trong 24 giờ qua cũng ghi nhận 9.171 ca nhiễm mới, con số cao nhất từ trước đến nay.
Theo số liệu của Our World in Data, với tỷ lệ mắc COVID-19 trong vòng 7 ngày tại quốc gia gồm 5,5 triệu dân này là 11.500 ca/1 triệu dân, Slovakia đang là nước có tình hình dịch bệnh tồi tệ nhất trên thế giới.
Cùng ngày 20/11, Nga đã ghi nhận 37.120 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 9.294.188 ca. Trong đó, thủ đô Moskva là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 3.239 ca mắc mới. Trong 24 giờ qua, Nga cũng có thêm 1.254 ca tử vong vì COVID-19, đưa tổng số người thiệt mạng vì dịch bệnh này lên 262.843 người.
Châu Âu là nơi có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao hàng đầu thế giới. Khi chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Tây Âu được triển khai mạnh mẽ vào đầu năm 2021, lãnh đạo các quốc gia trong khu vực đều tự tin về lộ trình tiếp theo đối với dịch.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết, nhiều cuộc họp báo sau đó diễn ra với những vị lãnh đạo đều có tông giọng tương tự nhau, tuyên bố con đường từ bỏ các hạn chế, ca ngợi tỷ lệ tiêm vaccine và kỳ vọng về việc trở lại với cuộc sống bình thường. Nhưng khi mùa Đông đến và làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ mới ập tới, nhiều quốc gia đã phải cân nhắc lại biện pháp chống dịch.
Ireland ban hành lệnh giới nghiêm nửa đêm đối với ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn vào đầu tuần này trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt, mặc dù là một trong những nơi có tỷ lệ tiêm chủng tốt nhất châu Âu.
Ở Bồ Đào Nha - nơi 87% dân số đã được tiêm chủng - chính phủ đang cân nhắc các biện pháp mới khi tình trạng mắc mới COVID-19 tăng dần. Nước Anh đã phải chịu đựng một làn sóng lây nhiễm kéo dài và dai dẳng mặc dù Thủ tướng Boris Johnson thường đề cập về việc đi đầu trong tiêm vaccine COVID-19.
Thực trạng này diễn ra bất chấp thực tế rằng vaccine COVID-19 đã phát huy và bảo đảm tốt hiệu quả. Các quốc gia châu Âu kể cả có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao vẫn không thể ngăn được sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Giáo sư Ralf Reintjes tại Đại học Khoa học Ứng dụng Hamburg (Đức) đánh giá: “Vaccine đã giúp đỡ nhiều nhưng chỉ là một yếu tố trong việc ngăn chặn dịch chứ chưa thể đủ mạnh để đứng một mình”.
Chương trình tiêm vaccine của châu Âu được triển khai nhanh chóng trong những tháng đầu năm 2021 nhưng khả năng miễn dịch giảm theo thời gian. Đến nay các quốc gia đang nghiên cứu nguy cơ miễn dịch với virus SARS-CoV-2 giảm dần ở những người đã tiêm vaccine từ sớm.
Giáo sư Tobias Kurth tại Bệnh viện Đại học Charité (Đức) nhận định: Phản ứng miễn dịch của những người được tiêm chủng giảm sau một khoảng thời gian nhất định có lẽ là một trong những lý do số người đã tiêm vaccine cần nhập viện đã tăng nhẹ ở thời điểm này, đặc biệt là nhóm người cao tuổi vốn được tiêm vaccine sớm nhất.
Sinh viên đeo khẩu trang tại một đại học ở Đức. Ảnh: AP
Ngoài ra, các hạn chế được áp dụng khác biệt ở mỗi quốc gia và việc tuân thủ các quy định cũng có nhiều cấp độ. Điều đó đồng nghĩa với việc ngay cả quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine tốt như Ireland vẫn phải đối mặt với số ca mắc mới tăng.
Minh chứng là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có tỷ lệ tiêm chủng lần lượt là 80% và 87% tổng dân số cũng như Ireland đã nới lỏng các quy định về hòa nhập xã hội trong những tháng gần đây. Nhưng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã tránh được điều tồi tệ nhất của làn sóng dịch hiện tại. Các chuyên gia cho rằng sự thành công của nhứng nước này bắt nguồn từ các biện pháp phòng ngừa của họ.
Giáo sư Ana M Garcia tại Đại học Valencia phân tích, người Tây Ban Nha đặc biệt cẩn thận về các biện pháp phòng ngừa dịch, phần lớn là việc phổ quát sử dụng khẩu trang và giãn cách xã hội. Việc đeo khẩu trang chỉ bắt buộc trong không gian kín nhưng bạn sẽ thấy nhiều người Tây Ban Nha vẫn sử dụng khẩu trang ở bên ngoài. Tại Bồ Đào Nha, đeo khẩu trang vẫn là yêu cầu bắt buộc trên phương tiện công cộng.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dich-covid-19-tiep-tuc-lay-lan-manh-o-chau-au-post167898.html