Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh ngày 27/5
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 27/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 169.215.079 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3.514.795 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 150.870.793 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 606.186 ca tử vong trong tổng số 33.971.709 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 315.636 ca tử vong trong số 27.403.246 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 454.623 ca tử vong trong số 16.275.440 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Hungary là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 307 người tử vong. Tiếp đến là CH Séc với 281 người và Bosnia-Herzegovina với 280 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, châu Âu hiện có hơn 52,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 1 triệu ca tử vong trong hơn 32,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 617.300 ca tử vong trong hơn 34,5 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 462.600 ca tử vong trong hơn 35,4 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 141.300 ca tử vong, châu Phi ghi nhận hơn 129.100 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.
Malaysia ngày 27/5 thông báo ghi nhận thêm 7.857 ca mắc mới COVID-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới ở quốc gia Đông Nam Á này tăng lên những mức cao nhất từ trước tới nay. Tính đến nay, tổng cộng đã có 541.224 ca mắc COVID-19 tại Malaysia.
Thái Lan ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất từ đầu dịch với 47 người không qua khỏi trong 24 giờ qua. Ngoài ra, nước này cũng có thêm 3.323 ca nhiễm mới, trong đó 1.219 ca ở các nhà tù. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 141.217 ca nhiễm, trong đó có 920 ca tử vong. Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết chính phủ đã đẩy nhanh việc tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân ở những khu vực có nguy cơ, những người từ 60 tuổi trở lên và những người có bệnh nền. Thái Lan đã có hơn 3 triệu người được chủng ngừa COVID-19, trong đó có khoảng 2 triệu người tiêm mũi đầu tiên và khoảng 1 triệu người tiêm mũi thứ hai.
Philippines cũng ghi nhận thêm 6.483 ca mắc mới và 210 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại nước lần lượt là 1.200.430 và 20.379. Nước này cũng sẽ cho phép sử dụng khẩn vấp vaccine Pfizer/BioNTech đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12-15. Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là một trong 7 loại vacicne được phê duyệt lưu hành khẩn cấp tại Philippines.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia thông báo có thêm 649 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 633 ca lây nhiễm cộng đồng và 4 người tử vong trong 24 giờ qua. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã quyết định đưa thêm 2 làng vào “Khu vực Vàng đậm” – khu vực có mức độ lây nhiễm COVID-19 ở mức trung bình - vì số ca mắc mới COVID-19 tại đây đang tăng lên. Các biện pháp hạn chế đi lại để phòng chống dịch đối với “Khu vực Vàng đậm” bắt đầu có hiệu lực tại 2 làng này từ 27/5 đến 9/6 tới.
Lào ghi nhận 12 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 4 ca lây nhiễm cộng đồng. Bộ Y tế Lào cho biết mặc dù số ca nhiễm trong cộng đồng trên cả nước chỉ ở mức 1 con số nhưng ở thủ đô Viêng Chăn hiện vẫn có 29 vùng đỏ tại 6 quận và vẫn chưa thể dự báo khi nào làn sóng dịch lần này sẽ kết thúc. Dù chính quyền các cấp đã có các quy định phòng dịch rõ ràng, nhưng vẫn còn hiện tượng người dân vi phạm, dẫn tới việc xuất hiện các ổ dịch mới, đặc biệt là tại các gia đình. Ngoài ra, việc phần lớn các ca bệnh lần này không có triệu chứng và vẫn đi làm bình thường đã khiến dịch bệnh lây lan tới nhiều công sở, công ty, tổ chức và nhà máy, làm phát sinh các ca bệnh mới mỗi ngày.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Ấn Độ đã tăng trở lại trên ngưỡng 200.000 ca. Cụ thể, nước này có 211.298 ca mắc mới và 3.847 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ qua. Theo thống kê cập nhật, số ca trên đã nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại Ấn Độ lên lần lượt là 27,37 triệu ca và 325.235 ca.
Ngày 27/5, chính quyền bang Victoria của Australia công bố lệnh phong tỏa toàn bang trong vòng một tuần nhằm ngăn chặn một cụm dịch mới bùng phát ở phía bắc thành phố Melbourne. Quyết định phong tỏa được đưa ra sau khi các cơ quan y tế bang ghi nhận 11 ca mắc mới trong cộng đồng trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 26 ca. Các cơ quan chức năng hiện đã xác định được 10.000 người tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp, cũng như hơn 100 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm. Quyền Thủ hiến bang James Merlino thông báo từ nửa đêm 27/5 đến hết ngày 3/6, tất cả người dân bang Victoria chỉ được phép ra khỏi nhà trong 5 trường hợp gồm mua thức ăn và vật dụng cần thiết, đi làm, khám bệnh, tập thể dục tối đa 2 giờ mỗi ngày và đi tiêm chủng. Trong thời gian phong tỏa, các sự kiện, hoạt động đông người đều không được tổ chức, các trường học (trừ nhà trẻ và mẫu giáo) đều tạm thời đóng cửa và chuyển sang hình thức học trực tuyến, nhà hàng, quán giải khát chỉ bán đồ mang đi, mọi người phải đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà…
Từ ngày 31/5, Pháp sẽ áp dụng quy định cách ly bắt buộc đối với những người từ Anh tới, trong bối cảnh số ca nhiễm biến chủng B.1.617 có khả năng lây lan cao được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đang gia tăng tại nước láng giềng này. Thời gian cách ly bắt buộc là 7 ngày và các du khách tới nước này phải xuất trình chứng nhận đã xét nghiệm sàng lọc COVID-19 không quá 48 giờ trước khi khởi hành. Trước đó, Chính phủ Áo cũng thông báo cấm các chuyến bay thẳng và khách du lịch từ Anh tới, còn Đức tuyên bố bất cứ ai khởi hành hoặc quá cảnh qua Anh khi đến nước này đều phải cách ly trong hai tuần.