Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh trên thế giới ngày 3/5
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới với tổng cộng 33.181.941 ca nhiễm và 591.071 ca tử vong.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 3/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 153.690.799 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 3.218.861 ca tử vong; số ca được điều trị khỏi bệnh là 131.008.774 ca.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới với tổng cộng 33.181.941 ca nhiễm và 591.071 ca tử vong.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho biết tính đến sáng 2/5 (giờ địa phương), nước này đã phân phối tổng cộng hơn 253 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 tới các cơ sở y tế trên cả nước để thực hiện các chiến dịch tiêm chủng.
Tại châu Á, tâm dịch Ấn Độ ghi nhận 368.147 ca mắc mới và 3.417 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và số ca tử vong lên lần lượt gần 20 triệu ca và 218.959 ca.
Trong 10 ngày qua, Ấn Độ liên tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 trên 300.000 ca/ngày, trong đó có ngày 30/4 ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới.
Báo Times of India dẫn nguồn tin chính quyền cho biết Chính phủ Ấn Độ ít có khả năng sẽ áp đặt một lệnh phong tỏa trên quy mô toàn quốc, dù đã khuyến cáo các bang và vùng lãnh thổ liên bang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và áp dụng biện pháp phong tỏa phù hợp để phá vỡ chuỗi lây lan của virus SARS CoV-2.
Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) thông báo từ ngày 4/5, tất cả những hành khách, ngoại trừ người Đài Loan, từng đến Ấn Độ trong 14 ngày trước sẽ không được phép nhập cảnh vào hòn đảo này.
Trong khi đó, những người Đài Loan trở về từ Ấn Độ sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày tại các địa điểm được chỉ định.
Lào ghi nhận tình hình dịch bệnh diễn biến theo hướng tích cực hơn. Bộ Y tế Lào ngày 3/5 cho biết nước này đã ghi nhận 33 ca mắc mới tại 6/18 tỉnh, thành trong 24 giờ qua, giảm hơn 3 lần so với 112 ca được phát hiện trong ngày 2/5.
Đến nay, tổng số ca mắc tại Lào là 966 ca, trong đó có hơn 900 ca được phát hiện từ đầu tháng Tư đến nay, phần lớn đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Lào đã chữa khỏi cho 60 bệnh nhân và chưa có trường hợp nào tử vong.
Trong khi đó, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có thêm 841 ca mắc mới, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, cao hơn so với 730 ca của một ngày trước đó. Tổng số ca bệnh nhân COVID-19 tại nước này từ đầu dịch đến nay hiện là 15.361 người.
Bộ trên cũng thông báo về 61 ca đã bình phục và thêm 4 ca tử vong từ ngày 1-3/5 trong độ tuổi từ 24 đến 61 tại Phnom Penh và Kampong Chnang, nâng số bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại Campuchia lên 106 người.
Thái Lan ghi nhận thêm 31 ca tử vong, mức cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 276 ca. Bộ Y tế Thái Lan ghi nhận 2.041 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 71.025 ca.
Giáo sư y khoa có uy tín của Thái Lan Prasit Watanapa cảnh báo Thái Lan sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khi quốc gia Đông Nam Á này liên tiếp ghi nhận số người tử vong do đại dịch ở mức cao kỷ lục trong 3 ngày qua.
Giáo sư Prasit, người hiện là Chủ nhiệm Khoa y của Bệnh viện Siriraj ở Bangkok, cho rằng nếu số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng lên điều đó có nghĩa là Thái Lan đang tiến tới giai đoạn khủng hoảng thực sự.
Trong ngày 3/5, Philippines công bố 7.255 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.062.225 ca. Số ca tử vong tại đây tăng thêm 94 ca lên 17.525 ca.
Trong khi đó, Malaysia ghi nhận 2.500 ca mắc mới, trong đó có 4 ca nhập cảnh và 2.496 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 417.512 ca.
Malaysia cũng xác nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 1.551 ca. Trong khi đó, số ca bình phục tăng thêm 2.068 người lên 385.208 người.
Bộ Y tế Nhật Bản thông báo số bệnh nhân COVID-19 thể nặng ở nước này tăng thêm 34 người lên 1.084 người, mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày thứ hai liên tiếp. Số bệnh nhân thể nặng chiếm đến 50% số giường bệnh tại các khoa chăm sóc đặc biệt của một số tỉnh, trong đó có Osaka và Hyogo lân cận hiện đang áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp kể từ cuối tháng Tư vừa qua.
Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất mở rộng danh sách người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Liên minh châu Âu (EU) với một số điều kiện nhất định.
Theo đề xuất, EU sẽ cho phép nhập cảnh vì lý do không cấp thiết đối với tất cả những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ có tình hình dịch tễ diễn biến tích cực và những người đã tiêm đủ liều các loại vaccine COVID-19 được EU cấp phép.
EC cũng cho biết đề xuất này có thể mở rộng sang những đối tượng đã tiêm các loại vaccine được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Nhằm hạn chế nguy cơ các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xâm nhập EU, cơ quan trên cũng đề xuất triển khai cơ chế “ngừng khẩn cấp” mới, cho phép áp dụng khẩn trương các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người đến từ các nước có tình hình dịch bệnh bất ngờ xấu đi. Các nước EU dự kiến bắt đầu thảo luận về đề xuất trên trong ngày 4/5.
Chính phủ Cộng hòa Séc tiếp tục từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế sau khi tình hình dịch có chiều hướng cải thiện. Chính phủ Séc đã thông qua quyết định cho phép từ ngày 3/5, nới lỏng các biện pháp hạn chế tại 7 tỉnh, thành phố gồm Praha, Trung Séc, Plzen, Karlovy Vary, Liberec, Pardubice và Hradec Kralove, trong đó bảo tàng và phòng trưng bày tại các địa phương trên được mở cửa trở lại.
Riêng đối với hoạt động kinh doanh và dịch vụ, chính phủ cho phép tất cả các cửa hàng và dịch vụ trên cả nước mở cửa trở lại từ ngày 10/5, với điều kiện đảm bảo quy định về giới hạn số lượng khách và vệ sinh dịch tễ. Đến nay, Séc ghi nhận tổng cộng 1.634.114 ca nhiễm, trong đó 29.343 ca tử vong.
Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này sẽ dỡ bỏ quy định phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với hành khách đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Theo danh sách này, ngoài Việt Nam còn có Australia, New Zealand, Singapore, Anh, Latvia, Luxembourg, Ukraine, Thái Lan, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Estonia và Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong và Đài Loan). Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5 tới.
Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 25.980 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 4.875.388 ca. Số ca tử vong trong 24 giờ qua tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng thêm 340 ca, lên tổng số 40.844 người không qua khỏi./.