Dịch COVID-19: WHO cảnh báo các nước đặc biệt cảnh giác khi nới lỏng
Người dân dùng bữa bên trong một trung tâm thương mại ở Richmond, British Columbia, Canada, ngày 26/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
* Khuyến nghị sử dụng các loại thuốc mới trong điều trị COVID-19
Ngày 7/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia đặc biệt cảnh giác khi nới lỏng các biện pháp hạn chế để mở cửa trở lại, tránh đánh mất những thành quả chống dịch đã đạt được trong thời gian qua.
Cụ thể, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp thuộc WHO, Michael Ryan, nhấn mạnh các quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp mà nới lỏng quá nhanh sẽ tạo ra "một hỗn hợp" độc hại, tạo điều kiện cho virus lây lan.
Theo ông Ryan, đây là lúc cần đặc biệt cảnh giác nhưng các nước cũng phải tự đưa ra quyết định về những điều cần cảnh giác và về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sao cho phù hợp tình hình dịch bệnh.
Quan chức WHO cũng kêu gọi các quốc gia đang cân nhắc hoặc đã bắt đầu triển khai tiêm phòng COVID-19 cho trẻ em trong độ tuổi từ 12-15 xem xét lại phương án này.
Thay vào đó, các quốc gia có thể chia sẻ các liều vắc xin sẵn có cho cơ chế COVAX để hỗ trợ tiêm cho người già và nhân viên y tế tại các nước thu nhập thấp.
Lời kêu gọi được đưa ra trong ngày mà tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên thế giới, theo thống kê của WHO, vượt mức 4 triệu ca, một dấu mốc mà cơ quan này gọi là "thảm kịch".
Theo WHO, các thống kê chính thức chỉ ra tổng số ca tử vong vì dịch bệnh trên toàn cầu đã vượt mức 4 triệu sau hơn 18 tháng xuất hiện nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định đại dịch COVID-19 trên thế giới đang ở giai đoạn hiểm nghèo.
Theo lãnh đạo WHO, hiện nay tồn tại thực tế rằng trong khi một số quốc gia có tỉ lệ dân số được tiêm phòng COVID-19 ở mức cao đã bắt đầu nới lỏng "như thể dịch bệnh đã qua đi," dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và chuẩn bị tiêm mũi bổ sung thì vẫn còn quá nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới đang chứng kiến số ca mắc mới và nhập viện tăng mạnh.
Thực tế này xảy ra chủ yếu do sự xuất hiện của các biến thể lây lan nhanh và tình trạng "bất bình đẳng đáng kinh ngạc" trong tiếp cận vắc xin trên toàn cầu.
Cũng chính điều này đã dẫn tới tình trạng khan hiếm trầm trọng oxy và các thiết bị điều trị, dẫn tới tỉ lệ tử vong tăng cao tại nhiều khu vực ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin.
Trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, việc vẫn còn hàng triệu nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe chưa được tiêm phòng là điều không thể chấp nhận.
Ông Tedros cảnh báo các biến thể của virus đang tấn công nhanh hơn so với khả năng phòng thủ của vắc xin chủ yếu do phân phối vắc xin chưa đồng đều. Thực trạng này cũng sẽ đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tổng giám đốc WHO kết luận xét trên mọi khía cạnh từ đạo đức, dịch bệnh cho đến kinh tế, thì đã đến lúc thế giới cần phải phối hợp để huy động sức mạnh tập thể mới có thể đẩy lùi đại dịch COVID-19.
* Các thuốc điều trị viêm khớp có các hoạt chất tocilizumab và sarilumab có thể làm giảm nguy cơ tử vong và nhu cầu sử dụng máy thở ở các bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện. Đây là kết luận trong nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ ngày 6/7.
Căn cứ kết quả nghiên cứu trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị sử dụng thuốc trị viêm khớp Actemra của hãng dược phẩm Roche (Thụy Sĩ) và thuốc Kevzara của hãng dược Sanofi (Pháp) cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Trong đó thuốc Actemra có thành phần tocilizumab và thuốc Kevzara có thành phần sarilumab.
Các bệnh nhân COVID-19 nặng gặp phải tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với tác nhân xâm nhập là virus SARS-CoV-2, hay còn gọi là hội chứng giải phóng protein miễn dịch interleukin (IL)-6.
Hội chứng này có thể gây tổn thương nội tạng nghiêm trọng dẫn tới tử vong. Các hoạt chất tocilizumab và sarilumab được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách hạn chế các tác động của protein IL-6.
Kết quả nghiên cứu mới cho thấy sử dụng kết hợp các thuốc có chứa hoạt chất tocilizumab/sarilumab - còn được gọi là thuốc ức chế IL-6 - kết hợp với thuốc có chứa corticosteroid trong điều trị bệnh nhận COVID-19 thể nặng có thể giảm nguy cơ tử vong 17%, so với người chỉ điều trị bằng corticosteroid.
Ở những bệnh nhân không thở máy, sử dụng kết hợp thuốc như trên có thể giảm 21% nguy cơ bệnh diễn tiến xấu phải dùng tới máy thở hoặc tử vong.
Tổng thể, nguy cơ tử vong trong vòng 28 ngày ở nhóm dùng kết hợp các thuốc trên là 22%, so với tỉ lệ 25% ở những người được điều trị thông thường. Điều này đồng nghĩa trong 100 người sẽ có thêm 4 người được cứu sống.
Nghiên cứu cũng kiểm tra tác động của những loại thuốc này đối với bệnh nhân nặng có nguy cơ phải thở máy hoặc nguy cơ tử vong.
Trong số những bệnh nhân dùng corticosteroid, khi sử dụng kết hợp thuốc ức chế IL-6, nguy cơ phải dùng máy thở hoặc nguy cơ tử vong là 26%, thấp hơn tỉ lệ 33% ở những người được chăm sóc bình thường. Cứ 100 bệnh nhân sẽ có thêm 7 người được cứu sống và tránh được nguy cơ phải thở máy.
Các nghiên cứu trước đây về tác động của các chất ức chế IL-6 trong điều trị COVID-19 đã đưa ra những kết luận trái chiều. Điều này đã thúc đẩy WHO điều phối nghiên cứu mới nói trên, theo đó tổng hợp dữ liệu từ 27 cuộc thử nghiệm ngẫu nhiên tại 28 quốc gia.
Nhóm nghiên cứu đã theo dõi 10.930 bệnh nhân, trong đó 6.449 bệnh nhân được chỉ định ngẫu nhiên điều trị kết hợp các chất ức chế IL-6 và 4.481 bệnh nhân được điều trị thông thường hoặc bằng giả dược.
Các hoạt chất Tocilizumab và sarilumab được dùng bằng cách truyền hoặc tiêm. Hiện giới chức y tế Anh khuyến nghị sử dụng một trong hai hoạt chất trên kết hợp với corticosteroid trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại nước này. Mỹ cũng khuyến nghị sử dụng tocilizumab kết hợp với corticosteroid.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)