Dịch cúm trở lại ở Mỹ sau một năm 'vắng bóng'
Các chuyên gia nhận định trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong dịch cúm, vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh cần nhận biết sớm các triệu chứng bệnh và có biện pháp kịp thời.
Theo tờ New York Times, dựa trên dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), đến hiện tại ước tính đã có khoảng 8,7 triệu người mắc bệnh, 78.000 người nhập viện và 4.500 người tử vong vì cúm (trong đó có 14 trẻ em).
"Năm ngoái, chúng tôi hầu như không thấy cúm. Tỷ lệ mắc bệnh cúm cũng rất thấp và chỉ có 1 ca tử vong ở trẻ em trong cả năm", tiến sĩ Katie Lockwood, bác sĩ nhi khoa chăm sóc chính tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, nói.
Nhiều chuyên gia lo lắng các trường hợp mắc bệnh cúm sẽ tiếp tục gia tăng cho đến ít nhất là tháng 1/2023 (thời điểm virus cúm thường đạt đỉnh điểm). Trong đó, trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương do hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành.
Các triệu chứng cúm ở trẻ cần chú ý
Bệnh cúm thường gây ra các triệu chứng kết hợp sốt, ho, đau họng, sổ mũi, ớn lạnh, đau cơ, nhức đầu và cảm giác khó chịu. Vì vậy, khi mắc bệnh, trẻ sẽ mệt mỏi và cáu kỉnh bất thường. Căn bệnh này còn đi kèm một số triệu chứng liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn mửa.
Tiến sĩ Lockwood cho biết các triệu chứng của bệnh cúm ở trẻ thường có xu hướng xuất hiện đột ngột.
"Nhiều phụ huynh nói với tôi là khi họ đưa con đến trường, sức khỏe của trẻ vẫn ổn. Nhưng đến lúc tan học, con lại bị sốt và có tất cả triệu chứng khác của bệnh cúm. Hầu hết trẻ em bị cúm trong khoảng 3-5 ngày. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể kéo dài trung bình 7-10 ngày", tiến sĩ Lockwood nói.
Để điều trị bệnh cúm hiệu quả, tiến sĩ Priya Soni - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Cedars-Sinai Guerin Children's (Los Angeles, Mỹ) - nhận định "đơn thuốc" tốt nhất cho trẻ là nghỉ ngơi tại nhà. Tuy nhiên, trong nhà phải đảm bảo điều kiện độ ẩm ở mức 40-60% để hạn chế sự lây lan của virus cúm.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn dụng cụ vệ sinh mũi để giúp trẻ loại bỏ các chất nhầy dư thừa, trẻ sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Những loại thuốc điều trị cúm cho trẻ
Theo các bác sĩ, khi trẻ dưới 6 tuổi mắc bệnh cúm đi kèm với những triệu chứng như ho và cảm lạnh; phụ huynh không nên tự ý mua thuốc điều trị, ngoại trừ thuốc hạ sốt acetaminophen (thường được bán dưới tên thương hiệu Tylenol) và ibuprofen (có trong Children's Motrin).
Để giảm triệu chứng ho vào ban đêm, một số nghiên cứu đã chỉ ra trẻ em 1-5 tuổi có thể sử dụng mật ong trước khi đi ngủ.
Đối với trẻ dưới 2 tuổi - thuộc nhóm có nguy cơ cao - hoặc trẻ bị sốt hơn 40 độ C, các bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng virus (như Tamiflu, Relenza, Rapivab và Xofluza). Những loại thuốc này có khả năng giảm mức độ nghiêm trọng và thời gian điều trị bệnh cúm ở trẻ. Tuy nhiên, chúng chỉ hoạt động tốt nhất khi được sử dụng sớm trong quá trình điều trị bệnh.
Riêng với nhóm trẻ mắc các bệnh mạn tính (hen suyễn, tiểu đường, bại não, bệnh tim hoặc co giật), có nguy cơ cao gặp các biến chứng liên quan đến cúm, thuốc kháng virus có thể được sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào cần thiết. Nguyên nhân là khi mắc bệnh cúm, tình trạng sức khỏe của trẻ thuộc nhóm này dễ bị trầm trọng hơn.
Trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu như thở nhanh, khó thở, môi tái xanh, ngực phập phồng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay phòng chăm sóc khẩn cấp hoặc phòng cấp cứu. Ngoài ra, các dấu hiệu khẩn cấp khác còn bao gồm trẻ bỏ ăn hoặc uống, khó tỉnh táo, đau cơ, khó đi lại, tái phát sốt hoặc ho (sau khi đã bình phục).
Thời điểm an toàn để trẻ trở lại trường học?
CDC khuyến nghị trước khi trẻ đi học trở lại, phụ huynh nên đợi cho đến khi trẻ hết sốt (dưới 37,7 độ C mà không cần dùng bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào) trong ít nhất 1-2 ngày. Đến ngày thứ 3, khả năng lây nhiễm virus sẽ giảm đáng kể, lúc này, trẻ có thể trở lại trường.
"Để đi học trở lại, tình trạng ho và các triệu chứng khác của trẻ phải được cải thiện, ngay cả khi chưa khỏi hoàn toàn. Nếu trẻ vẫn ho nhiều, bố mẹ cần đợi thêm một thời gian nữa trước khi đưa trẻ trở lại trường học", tiến sĩ Lockwood nhấn mạnh.
Tiến sĩ James Antoon, trợ lý giáo sư nhi khoa, bác sĩ tại Bệnh viện nhi Monroe Carell Jr. thuộc ĐH Vanderbilt ở Nashville (tiểu bang Tennessee, Mỹ) khuyên phụ huynh nên tiêm vaccine cúm cho trẻ.
"Việc tiêm vaccine có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng và giảm mức độ nghiêm trọng khi trẻ mắc bệnh cúm (bao gồm khả năng biến chứng như nhiễm trùng tai và viêm phổi do vi khuẩn có thể xảy ra trong hoặc sau khi bị cúm). Ngay cả khi phụ huynh nghi ngờ trẻ đã bị cúm thì vẫn chưa quá muộn để tiêm phòng", tiến sĩ James Antoon nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-cum-tro-lai-o-my-sau-mot-nam-vang-bong-post1382734.html