Đích đến của hạnh phúc

Hạnh Phúc là tên gọi thân thuộc và nằm lòng đối với nhiều người dân ở xã Bản Sen (huyện Mường Khương). Tháng năm đi qua và dù có tiếc nuối với 'mỹ danh' mà trước năm 1959 còn sử dụng nhưng người dân nơi đây vẫn miệt mài lao động, sản xuất, cống hiến xây dựng quê hương, để đi đến đích, đó là mọi người, mọi nhà hạnh phúc.

Lật giở từng trang cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Bản Sen, ông Sin Văn Dền, năm nay 70 tuổi không giấu được xúc động và tự hào về mảnh đất quê hương. Ông bộc bạch: Tháng 11/1950, tỉnh Lào Cai được giải phóng lần thứ hai, huyện Bản Lầu đổi tên thành huyện Mường Khương. Toàn huyện được chia thành 24 xã với tên gọi mới theo phong trào cải cách dân chủ, trong đó có xã Hạnh Phúc. Năm 1959, sau khi hoàn thành cải cách dân chủ, tỉnh Lào Cai bắt tay thực hiện cuộc vận động xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Theo chủ trương của Tỉnh ủy Lào Cai, huyện Mường Khương đổi tên của 24 xã cho phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, trong đó xã Hạnh Phúc đổi tên thành xã Bản Sen.

Nghe ông Dền tâm sự, chúng tôi mới cảm nhận được sự thú vị của mảnh đất này. Những tên thôn phải “căng tai” mới hiểu rõ ẩn sâu trong đó là những lớp trầm tích văn hóa. Đó là Suối Thầu (Đầu suối), Thịnh Ổi (Lều mía), Na Phả (Ruộng đá), Na Vai (Ruộng trâu), Na Nối (Ruộng ít), Bản Sen (Bản tiên), Phẳng Tao (Thung lũng đao). Mỗi lần giải nghĩa từng địa danh, ông Dền nở nụ cười đầy hạnh phúc, bởi ít nhiều ông đã “quảng bá” được sự độc đáo của quê hương mình đến người khác.

Sau 26 năm công tác trên huyện, khi nghỉ hưu, ông Dền trở về mảnh đất Hạnh Phúc để an hưởng tuổi già. Hạnh phúc của ông Dền và những người dân chính là đích đến mà cấp ủy đảng, chính quyền xã các khóa đều hướng tới.

Điều này, Bí thư Đảng ủy xã Bản Sen - Châu Xuân Thắng luôn cảm nhận và hiểu rõ. Tiềm năng, thế mạnh từng thôn; hộ giàu, hộ nghèo trong xã anh đều nắm chắc. Chỉ cần 5 phút, anh Thắng đã giúp tôi có được thông tin tương đối đầy đủ về Bản Sen. Năm 2015, xã Bản Sen có 14 thôn, năm 2018 sáp nhập còn 7 thôn. Điều thú vị là sau 20 năm mang tên Bản Xen (nhầm lẫn của người đi khắc dấu) đến năm 2022 đã được “trả lại” tên gốc “Bản Sen”. Cùng với người bản địa (người Nùng, người Giáy), người Kinh từ các tỉnh miền xuôi như Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng lên khai hoang, mang theo khát vọng lập nghiệp đã chung sức xây dựng Bản Sen thành vùng quê trù phú và là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Mường Khương đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015).

Trên đường đưa chúng tôi đi “mục sở thị” thành quả xây dựng nông thôn mới, anh Thắng không quên giới thiệu: Bản Sen được ví như lòng chảo, khu trung tâm xã bằng phẳng, lại có nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, Bản Sen có diện tích lúa nước nhiều nhất Mường Khương và được coi như vựa lúa của huyện, đặc biệt là lúa Séng cù. Ngoài ra, diện tích mặt nước nuôi thủy sản của xã chiếm 2/3 diện tích nuôi thủy sản của cả huyện, sản lượng đạt 110 tấn/năm. Mặc dù không nhiều như Thanh Bình, Lùng Vai nhưng Bản Sen cũng có tới 755 ha cây chè, với năng suất trung bình 15 tấn/ha, giá trị đạt 105 - 110 triệu đồng/ha mang lại nguồn thu ổn định, bền vững cho người dân, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.000 lao động tại địa phương.

Với sự cần cù, chịu khó, Bản Sen ngày càng có nhiều triệu phú nông dân. Có thể kể đến hộ các ông: Trần Văn Tỉnh (thôn Na Vai) thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm; Trần Văn Tú, Trần Văn Tiến (thôn Na Phả) thu nhập gần 200 triệu đồng/năm từ nuôi thủy sản. Riêng đối với trồng chè, trên địa bàn xã có hơn 100 hộ thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó hộ các ông: Vàng Văn Lìn, Nông Văn Mìn, Nông Văn Dầu (thôn Phẳng Tao) có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

Gia đình tôi có 2,7 ha chè kinh doanh, mỗi năm thu hái được 35 tấn chè búp tươi, nếu bán với giá khiêm tốn là 6.000 đồng/kg thì cũng thu được hơn 200 triệu đồng. Đối với gia đình tôi, cây chè là nguồn thu chính, thậm chí còn là cây làm giàu.

Ông Vàng Văn Lìn - Thôn Phẳng Tao.

Để có cái nhìn chính xác về sản xuất nông nghiệp của Bản Sen, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương.

“So với các xã trên địa bàn huyện thì Bản Sen đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa rất rõ nét, như chè, lúa Séng cù với giá trị sản lượng trên 1 ha canh tác cao nhất huyện”

Ông Lê Thanh Hoa -Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương.

Đánh giá sau nửa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Bí thư Đảng ủy xã - Châu Xuân Thắng phấn khởi: Đến thời điểm này, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, như giá trị sản phẩm/ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng, 97% hộ đạt chuẩn văn hóa, 100% hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 100% trường học trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 21,8%...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dich-den-cua-hanh-phuc-post367223.html