Đích đến của thành công không có bước chân của kẻ lười biếng
Cristiano Ronaldo từng khẳng định mình có thể chơi bóng đến năm 41 tuổi. Những con số thống kê phi thường nêu trên, cho thấy điều này hoàn toàn khả thi. Arshavin mệt nhoài và thờ ơ, bỏ lửng, trong khi Ronaldo dù đã lên đến đỉnh cao vẫn miệt mài chinh phục, thử thách bản thân. Thế mới hay, 'đích đến của thành công không có bước chân của kẻ lười biếng'
1.Nếu phải kể ra một cái tên khiến CĐV của “Lữ đoàn Đỏ” Liverpool “cay sống mũi” mỗi khi nhắc lại, thì một trong số đó phải có Andrey Arshavin.
Ngày 21-4-2009, “Sóc nhỏ” người Nga cùng các “Pháo thủ” hành quân đến Anfield ở vòng 33 Ngoại hạng Anh. Tân binh người Nga gia nhập Arsenal vào kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2009, mặc chiếc áo số 23 của huyền thoại Sol Campbell để lại.
Trận đấu này, cả 2 tiền đạo chủ lực của Arsenal là Van Persie và Adebayor đều vắng mặt, do đó trọng trách ghi bàn đặt lên vai Arshavin.
Phút 36, Arshavin đệm bóng cận thành ghi bàn thắng dễ dàng sau đường trả ngược thuận lợi của Fabregas trong vòng cấm. Sau khi lần lượt Torres và Benayoun đưa Liverpool vượt lên, Arshavin cướp được bóng trong chân Mascherano ở phút 67, anh dẫn bóng vài nhịp trước khi tung một cú “úp mu” bằng chân phải đưa bóng găm chìm vào góc trái khung thành do Reina trấn giữ, ghi bàn thắng thứ 2. Chỉ 3 phút sau, từ một sai lầm phá bóng của Aurelio trong vòng cấm địa, Arshavin dứt điểm cận thành trong vòng cấm, đưa Arsenal vượt lên dẫn 3-2. Phút 90, Arshavin bứt tốc từ sân nhà như một vận động viên điền kinh, nhận đường kiến tạo của Watcott và dứt điểm lạnh lùng bằng chân trái, hoàn tất cú “poker” và đưa Arsenal tiến sát chiến thắng.
Mặc dù ở phút 90+3, Benayoun ghi bàn thắng quý giá giữ lại 1 điểm ở sân Anfield, kết thúc một trận đấu kịch tính với 8 bàn thắng chia đều cho 2 đội. Song, với cú “Poker” siêu đẳng thực hiện bằng bằng cả 2 chân, Arshavin đã làm lu mờ tất cả. Những kỷ lục cũng đồng thời được thiết lập: “Sóc nhỏ” trở thành cầu thủ đội khách duy nhất ghi 4 bàn tại Anfield, sau thành tích của Dennis Westcott cho Wolves vào năm 1946; là cầu thủ đầu tiên của Arsenal lập “poker” sau Julio Baptista vào năm 2007; trở thành cầu thủ thứ 6 trong lịch sử Ngoại hạng Anh ghi 4 bàn trong một trận đấu sân khách.
Bốn bàn thắng hội tụ những phẩm chất ưu tú nhất của Arshavin: Tốc độ, kỹ thuật, mạnh mẽ, dứt khoát và cũng là những phẩm chất mang tính đại diện của một thế hệ cầu thủ ưu tú mà bóng đá Nga có được kể từ thời kỳ hậu Xô Viết.
Thế nhưng, tựa như những gì tinh anh nhất, Arshavin đã dành hết cho cú “poker” lịch sử ấy. Thời gian sau đó, vị trí quen thuộc của Arshavin là trên băng ghế dự bị bởi phong độ “tuột dốc không phanh”. Một Ashavin từng như cơn lốc trong mỗi lần lên bóng, góp công đầu đưa tuyển Nga lọt vào bán kết Euro 2008; một Ashavin xuất sắc nhất Chung kết cúp UEFA 2007/2008 mang về chiếc cúp UEFA lần đầu tiên trong lịch sử cho Zenit St. Peterburg; một Ashavin sắc sảo kết hợp với Fabregas và Rosicky tạo nên một Arsenal hào hoa những năm cuối thập niên 2000, đã sớm trở thành hoài niệm. Ashavin sau đó quay trở lại Zenit Sankt Peterburg, lưu lạc đến Kuban Krasnodar và bước những bước chân cuối cùng trên sân cỏ là với FC Kairat vô danh tại Kazakhstan.
Vì sao ư? Sự lười biếng, vô trách nhiệm đã hủy hoại sự nghiệp Arshavin – như chính lời những người trong cuộc kể lại. HLV Wenger nhiều lần chỉ trích Arshavin bởi sự lười biếng trong tập luyện và tình trạng thừa cân kéo dài. Nhà báo người Nga Artur Petrosyan viết về Arshavin trên tờ Sky Sports: “Cậu ta là một cầu thủ lười biếng ngay cả khi đang ở đỉnh cao phong độ. Arshavin không thích phải di chuyển nhiều”. Ở một giải đấu có tính cạnh tranh bậc nhất, đòi hỏi kỷ luật và tính chuyên nghiệp cao, thế nhưng “Đối với tôi, việc ghi bàn chỉ như một thú vui” – Arshavin đã nói một cách đầy cảm tính như thế.
Tại Euro 2012 “những chú gấu Nga” thể hiện bản sắc nhạt nhòa và sớm bị loại. Thế nhưng, màn đổ vấy trách nhiệm của đội trưởng Arshavin mới là điều khiến dư luận dậy sóng. Rời sảnh khách sạn sau trận thua Ba Lan, Arshavin đã cãi cọ với CĐV và phát biểu: “Chúng tôi thất bại nhưng đó không phải là vấn đề của cầu thủ mà thuộc về các CĐV”. Vì phát biểu ấy, đích thân cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nga khi ấy đã yêu cầu phải loại Arshavin ra khỏi thành phần đội tuyển bởi lo ngại thế hệ cầu thủ sau này của Nga sẽ bị ảnh hưởng bởi thói vô trách nhiệm của thế hệ cầu thủ đàn anh.
Ngay cả sau này, sau khi giải nghệ và làm công tác huấn luyện ở đội trẻ của Zenit Sankt Peterburg, Arshavin còn khiến nhiều người ngao ngán vì hình ảnh ngông nghênh cưỡi ngựa để về nhà sau một đêm thác loạn tại quán bar thoát y nổi tiếng nhất ở thành phố St Petersburg.
Ngạn ngữ Nga có câu: Ai điều khiển được lòng say mê của mình thì đó là ông chủ. Với Arshavin, anh đã bước những bước đầu tiên trên con đường đến với ngôi đền của những huyền thoại làng túc cầu. Thế nhưng nửa đường thì lạc bước.
2. Cũng ngày này cách đây 9 năm, tại Chung kết Cúp Nhà vua mùa bóng 2010-2011, Cristiano Ronaldo lúc này đang là một trong những “vì tinh tú” của “Dải Ngân hà” Real Madrid đã ghi một bàn thắng duy nhất của trận đấu vào lưới Barcelona, khiến sau đó người ta gọi anh là “Người Bồ Đào Nha bay”.
Phút 103 của trận đấu, từ hành lang cánh trái, Di Maria tạt bóng vào vòng cấm địa, Ronaldo có mặt đúng lúc bật cao đánh đầu đem về bàn thắng mở tỉ số và cho Real Madrid và cũng là bàn thắng duy nhất đem về chức vô địch cúp Nhà vua cho Real Madrid và danh hiệu đầu tiên của cá nhân anh với câu lạc bộ.
Trước trận đấu này, Ronaldo vẫn bị chế là “cầu thủ lớn của những trận đấu nhỏ” và mới chỉ một lần ghi bàn ở “Siêu kinh điển” trên chấm phạt đền.
Thế nhưng kể từ danh hiệu đầu tiên đó, Ronaldo đã cùng với “Đội bóng Hoàng gia” chinh phục hầu hết những danh hiệu cao quý nhất của bóng đá ở cấp Câu lạc bộ. Trong “Dải Ngân hà”, Ronaldo cũng là “vì tinh tú” sáng chói nhất. Không chỉ nắm vị trí “độc tôn” ở câu lạc bộ, Ronaldo còn 5 lần bước lên đỉnh của bóng đá Châu Âu vào các năm 2008, 2013, 2014, 2016, 2017 cùng vô số danh hiệu, kỷ lục cũng như những khoảnh khắc thiên tài mà anh mang đến cho thế giới bóng đá. Cho đến nay, khi đã 35 tuổi – độ tuổi “nghỉ hưu” của các cầu thủ chuyên nghiệp, Ronaldo thì vẫn đang không ngừng chinh phục các kỷ lục cùng với CLB Juventus.
Điều gì làm nên thành công của Ronaldo? Câu trả lời thật đơn giản: Phẩm chất thiên tài và sự khổ luyện. Cristiano Ronaldo có 25 bài tập thể lực mỗi ngày và 5 buổi tập/tuần. Mỗi buổi tập, Ronaldo thường nâng tạ với tổng khối lượng – có tin được không - khoảng 23 tấn – như thông tin trên tờ The Sun. Cũng chính nhờ chế độ tập luyện khắc khổ này mà Ronaldo có thể đánh đầu trúng bóng dù cách mặt đất tới 2m63 nếu có đà chạy. Nếu không tính chiều cao 1m85 thì sức bật của CR7 có sức bật lên tới 78cm. Con số này còn cao hơn cả sức bật của các vận động viên bóng rổ tới 7cm. Chế độ tập luyện của Cristiano Ronaldo giúp anh có thể tạo ra những cú sút phạt với vận tốc khoảng 131km/h. Vận tốc này tương đương 31,1m/s, nhanh gấp 4 lần tốc độ tên lửa đẩy tàu vũ trị Apollo 11 khi rời bệ phóng (7,3m/s)...
Cristiano Ronaldo từng khẳng định mình có thể chơi bóng đến năm 41 tuổi. Những con số thống kê phi thường nêu trên, cho thấy điều này hoàn toàn khả thi.
Arshavin mệt nhoài và thờ ơ, bỏ lửng, trong khi Ronaldo dù đã lên đến đỉnh cao vẫn miệt mài chinh phục, thử thách bản thân.
Thế mới hay, “đích đến của thành công không có bước chân của kẻ lười biếng”.