Đích đến là chất lượng

Với lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng và truyền thống sản xuất của nông dân, Hà Nội có những nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, một số nông sản có tính đặc hữu, điển hình như nhãn chín muộn, hoa cúc Nhật Bản đã được xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Tuy nhiên, soi chiếu vào thực tế thì lượng nông sản xuất khẩu của Thủ đô còn rất ít ỏi và chưa tương xứng với tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng căn bản nông nghiệp Hà Nội vẫn là nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Đặc biệt, vẫn còn tình trạng người sản xuất chưa chủ động hoặc áp dụng không triệt để công nghệ mới, quy trình canh tác và quản lý tiên tiến. Việc tổ chức liên kết sản xuất còn nhiều hạn chế và thiếu ổn định.

Đáng nói, những yêu cầu rất quan trọng là xây dựng thương hiệu, thông tin và phát triển thị trường, sơ chế bảo quản chưa được chú trọng đúng mức. Đây là điểm hạn chế khiến một số nông sản dù mang tính đặc hữu cao, sản vật địa phương nhưng vẫn gặp khó trong tiêu thụ, xuất khẩu.

Nhận diện và từng bước khắc phục hạn chế, hướng đến xuất khẩu, thành phố đang tập trung xây dựng, hình thành 5 nhóm nông sản chủ lực (nhãn chín muộn, gạo hữu cơ, hoa cúc Nhật Bản, chuối nuôi cấy mô và trứng gia cầm). Đây là hướng đi cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 tới sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu nông sản Thủ đô. Theo đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cần tạo được ưu thế cho nông sản chủ lực phát triển.

Nhiệm vụ quan trọng là xây dựng các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Trong chuỗi này, cần đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước - doanh nghiệp - nông dân - nhà khoa học, trong đó doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm. Thực hiện tốt mối liên kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích, vừa kiểm soát được số lượng và chất lượng, vừa đưa đến sự phát triển bền vững cho nông sản.

Đi vào nhiệm vụ cụ thể của từng chủ thể, người nông dân có vai trò quan trọng, do đó quá trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm các biện pháp canh tác theo quy trình, quy định; sử dụng cây, con giống bảo đảm chất lượng; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Với doanh nghiệp, cần thực hiện tốt việc bảo đảm “đầu ra” ổn định cho nông sản; cùng nông dân tạo dựng thương hiệu nông sản có chỗ đứng vững trên thị trường.

Các nhà khoa học cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tăng cường chuyển giao cây con giống mới, cơ giới hóa, công nghệ chế biến và các tiến bộ kỹ thuật khác cho nông dân. Quá trình thực hiện phải bám sát thực tiễn, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác để đưa ra phương án tối ưu và hiệu quả.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần chú trọng công tác quy hoạch và định hướng thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tạo liên kết vùng chặt chẽ lồng ghép với phát triển sản phẩm chủ lực, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó là làm tốt vai trò “cầu nối” nhằm tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ vững chắc, xuyên suốt. Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo thuận lợi về nguồn vốn, đất đai, đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển nông sản chủ lực.

Đích đến cuối cùng của phát triển nông sản chủ lực xuất khẩu là bảo đảm chất lượng, hiệu quả kinh tế và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/971769/dich-den-la-chat-luong