Dịch ĐNA: Biến thể mới hoành hành, việc tiêm ngừa bị chậm trễ

Biến thể mới ở Ấn Độ xuất hiện tại Indonesia, trong khi số người tử vong tại Thái Lan tiếp tục tăng mạnh và Malaysia quyết định loại bỏ AstraZeneca khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia.

Sự xuất hiện biến thể của dịch COVID-19 lần đầu được tìm thấy ở Ấn Độ trong làn sóng dịch mới nhất tại Đông Nam Á đã khiến cho các quốc gia trong khu vực trải qua những ngày tháng căng thẳng khi số ca nhiễm tăng liên tục.

Áp lực cũng đè nặng lên chính quyền và cơ quan y tế các nước Đông Nam Á khi tiến trình tiêm chủng vaccine đang bị đình trệ.

Indonesia phát hiện hai ca nhiễm biến thể mới ở Ấn Độ

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin hôm 3-5 cho biết nước này đã ghi nhận hai trường hợp nhiễm biến chủng mới của dịch COVID-19, được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ với khả năng lây nhiễm cao hơn, theo hãng tin Reuters.

"Đã có hai biến thể mới xuất hiện. Một từ Ấn Độ, với hai ca nhiễm ở Jakarta và một từ Nam Phi với trường hợp nhiễm ở Bali" - ông Budi nói.

Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 (do tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinovac sản xuất) tại bệnh viện Samut Sakhon ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 28-2. Ảnh: REUTERS

Một nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 (do tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinovac sản xuất) tại bệnh viện Samut Sakhon ở tỉnh Samut Sakhon, Thái Lan, ngày 28-2. Ảnh: REUTERS

Một quan chức khác cũng xác nhận hai trường hợp tại Jakarta đã nhiễm phải B.1617, loại biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ.

Vào tháng 4, chính quyền Indonesia đã ngừng cấp thị thực cho người nước ngoài đã ở Ấn Độ trong 14 ngày trước đó.

Thái Lan đang trải qua “khoảng thời gian kinh khủng”

Theo thông báo từ Bộ Y tế Thái Lan hôm 3-5, số ca tử vong vì COVID-19 trong một ngày ở quốc gia này lại tiếp tục đạt mốc kỷ lục mới với 31 người chết, trong khi quốc gia Đông Nam Á này đang phải vật lộn với đợt dịch thứ ba.

Thái Lan phần lớn đã kiểm soát được đại dịch thông qua việc đóng cửa và kiểm soát chặt chẽ biên giới. Nhưng làn sóng dịch thứ ba, bắt đầu vào đầu tháng 4, đã xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới khiến tình hình khó kiểm soát hơn đồng thời tạo thêm áp lực lên hệ thống y tế của nước này.

Chỉ trong ngày 3-5, Bộ Y tế Thái Lan đã ghi nhận 2.041 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm cả nước lên 71.025 người kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái. Tổng số người thiệt mạng hiện là 276 người, theo số liệu thống kê từ trang worldometers.info.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang qua bức tranh chủ đề COVID-19 khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên hòn đảo Java, Indonesia, ngày 21-2. Ảnh: REUTERS

Một người phụ nữ đeo khẩu trang đi ngang qua bức tranh chủ đề COVID-19 khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát trên hòn đảo Java, Indonesia, ngày 21-2. Ảnh: REUTERS

Đợt bùng phát mới chứng kiến sự xuất hiện của B.117, biến thể lần đầu tiên được phát hiện ở Anh với khả năng lây truyền cao hơn, đã chiếm hơn một nửa tổng số trường hợp nhiễm mới và tử vong ở Thái Lan khiến người dân vô cùng lo lắng.

“Khoảng thời gian này thật kinh khủng. Tôi không biết phải làm gì, chỉ biết cố gắng sống qua từng ngày” - tài xế xe buýt Chaowan Tessana (39 tuổi) chia sẻ, nói thêm rằng số ngày làm việc của anh đã giảm một nửa từ 15 ngày mỗi tháng xuống còn 6, 7 ngày.

Các nhà chức trách cho biết tình hình căng thẳng sẽ giảm bớt trong những tuần tới nhờ vào các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm việc đóng cửa các quán bar và địa điểm tụ tập công cộng ở thủ đô Bangkok.

Thái Lan đặt mục tiêu sẽ có 70% dân số được tiêm chủng COVID-19 vào cuối năm nay, mặc dù việc triển khai chậm hơn so với một số nước láng giềng, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.

Cho đến nay, Thái Lan đã tiến hành tiêm vaccine cho gần 1,5 triệu người, chủ yếu là các nhân viên y tế và nhóm người dễ bị phơi nhiễm, sử dụng vaccine của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca (Anh) và Sinovac nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một học sinh tiểu học đeo khẩu trang được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào lớp học ở ngoại ô Jakarta, Indonesia, ngày 24-3. Ảnh: REUTERS

Một học sinh tiểu học đeo khẩu trang được kiểm tra nhiệt độ trước khi vào lớp học ở ngoại ô Jakarta, Indonesia, ngày 24-3. Ảnh: REUTERS

Malaysia loại bỏ AstraZeneca khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia

Cùng ngày, chính quyền Malaysia thông báo sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng song song trong tuần này cho những người đã chọn vaccine do tập đoàn dược phẩm Anh AstraZeneca sản xuất, sau khi loại vaccine này bị loại khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia vì lo ngại của người dân về mức độ an toàn.

Các báo cáo về tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine AstraZeneca trên toàn thế giới đã làm giảm niềm tin của người dân ở Malaysia và các nơi khác.

Mặc dù AstraZeneca khẳng định rằng vaccine của mình an toàn và hiệu quả, song một số quốc gia đã quyết định đình chỉ việc sử dụng vaccine này hoặc giới hạn chỉ tiêm ở một số nhóm tuổi nhất định.

Malaysia, quốc gia đã nhận được 268.000 liều vaccine AstraZeneca đầu tiên vào tháng 4, cho biết họ sẽ cho phép người dân lựa chọn loại vaccine được tiêm dựa trên cơ sở người đến trước sẽ được tiêm trước.

Một nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể một người đến xét nghiệm COVID-19 tại một ngôi chùa ở Bangkok, Thái Lan, ngày 3-5. Ảnh: REUTERS

Một nhân viên y tế kiểm tra nhiệt độ cơ thể một người đến xét nghiệm COVID-19 tại một ngôi chùa ở Bangkok, Thái Lan, ngày 3-5. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Bộ Khoa học Malaysia Khairy Jamaludin tiết lộ quyết định trên được đưa ra sau khi có khoảng 8.000 người hủy chương trình đăng ký tiêm chủng trực tuyến sau thông báo của chính phủ rằng vaccine AstraZeneca sẽ là một phần của việc triển khai tiêm ngừa trên toàn quốc.

Dữ liệu do Bộ trưởng Khairy đưa ra cũng cho thấy sự do dự gia tăng khi một số người Malaysia không đến tiêm vaccine AstraZeneca theo lịch hẹn của mình.

“Số lượng người hủy ngày càng tăng, điều này dẫn đến việc cchính quyền Maylaysia quyết định loại bỏ AstraZeneca khỏi chương trình tiêm chủng quốc gia” - ông Khairy nói.

Tuy vậy, Malaysia dự kiến vẫn sẽ nhận thêm 12,8 triệu liều vaccine của AstraZeneca, với lô hàng 1,1 triệu liều đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển đến trong tháng này, theo SCMP.

Ông Khairy đồng thời cho biết các nhà chức trách đã quyết định giới hạn việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Trung Quốc Sinovac Biotech sản xuất đối với những người từ 60 tuổi trở lên.

Một y tá đang bơm đầy ống tiêm vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Anh quốc AstraZeneca sản xuất. Ảnh: EPA

Một y tá đang bơm đầy ống tiêm vaccine ngừa COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Anh quốc AstraZeneca sản xuất. Ảnh: EPA

Bên cạnh đó, Malaysia cũng ghi nhận sự gia tăng rõ rệt số bệnh nhân nhiễm COVID-19 mới mắc các triệu chứng cấp tính, có thể do sự xuất hiện của những loại biến thể mới.

Trước đó một ngày, Bộ Y tế nước này xác nhận đã phát hiện ca nhiễm biến thể Ấn Độ đầu tiên tại Malaysia. Ngoài ra, quốc gia Đông Nam Á này còn phát hiện 48 trường hợp nhiễm biến thể ở Nam Phi và tám trường hợp nhiễm biến thể ở Anh tính đến ngày 1-5.

Số liệu thống kê từ trang worldometers.info cho thấy tính đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã ghi nhận 417.512 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 1551 bệnh nhân đã tử vong.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/dich-dna-bien-the-moi-hoanh-hanh-viec-tiem-ngua-bi-cham-tre-982563.html