Dịch giả Thanh Thư: 'Người xa lạ' trong chốn sách vở

Cái tên Thanh Thư dần trở nên quen thuộc đối với độc giả Việt Nam. Là dịch giả của các tác phẩm: Xứ Đàng Trong, Nam Kỳ viễn chinh ký 1861, Người xa lạ, Một nụ cười nào đó...; từ tác phẩm của nhà văn đoạt giải Nobel cho đến ghi chép của nhà truyền giáo thế kỷ XVII, Thanh Thư đã trở thành cầu nối đưa một không gian khác, một thời đại khác đến với độc giả Việt Nam.

Nhân dịp dịch phẩm Một nụ cười nào đó do chị chuyển ngữ vừa ra mắt, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện cùng dịch giả Thanh Thư để hiểu thêm về công việc nhiều thú vị nhưng cũng lắm chông gai này.

Chị có thể dành vài dòng “tự họa” để độc giả có đôi nét hình dung về chị?

Mình thuộc về thế hệ 8x. Mình may mắn được làm quen với tiếng Pháp ngay từ trên ghế nhà trường. Về sau, mình có cơ hội được sang Pháp học tập và làm việc một thời gian ngắn và vừa trở về Việt Nam vài năm gần đây.

Dịch giả Thanh Thư.

Dịch giả Thanh Thư.

Cơ duyên nào đưa chị đến với con đường dịch thuật?

Trước đây, do nhu cầu của chính bản thân mà mình phải tự dịch tài liệu để phục vụ việc học. Cũng từ đó, mình dần dần thấy hứng thú với công việc này. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng lại ở việc dịch vài truyện ngắn và chia sẻ với bạn bè trên trang cá nhân của mình.

Tình cờ trong số đó có một anh biên tập viên của một đơn vị xuất bản đã tiếp cận mình và liên hệ đặt vấn đề xuất bản dịch phẩm Người xa lạ của Albert Camus. Từ đó mình từng bước đi sâu hơn vào con đường dịch thuật và thử sức bản thân với những tác phẩm khó nhằn hơn, cũng như những mảng đề tài phong phú hơn như sử liệu chẳng hạn.

Chị còn nhớ tác phẩm đầu tiên mình dịch không?

Tác phẩm đầu tiên mình “rón rén” dịch là Carmen của Prosper Mérimeé.

Đó là một truyện ngắn nói về tình yêu bi thảm và sự ghen tuông mù quáng, được viết giữa thế kỷ XIX nhưng đến nay các vở kịch chuyển thể từ tác phẩm này vẫn thu hút rất nhiều khán thính giả trên thế giới.

Từng có khoảng thời gian học ở Pháp, tại sao chị lại quyết định chọn quay về Việt Nam và sau đó đi theo con đường dịch thuật?

Mình trở về vì thấy bản thân không phù hợp với một xã hội mà người thiếu tham vọng và giàu bi quan như mình luôn luôn là kẻ đứng bên lề.

Ở thời điểm quyết định trở về, trong suy nghĩ của mình, sự phiêu bạt đã đủ. Mình muốn được hít thở bầu không khí của quê hương.

Sự phản biện, phê bình trong dịch thuật là cần thiết và đáng trân trọng, nó không những giúp cho người dịch tỉnh táo và chuẩn xác hơn, mà còn là phương cách để độc giả bày tỏ ý kiến cũng như bản thân dịch giả có thể tự đánh giá lại chất lượng dịch phẩm của mình.

Còn về công việc, như mình đã đề cập, chính nhờ cơ duyên gặp gỡ với anh biên tập viên nói trên mà hiện tại, mình đã dành phần lớn thời gian cho dịch thuật mặc dù đây không phải là ngành mình từng theo học hay được đào tạo bài bản.

Đối với tác phẩm được viết từ thế kỷ XVII như Xứ Đàng Trong của Cristoforo Borri hay thứ tiếng Pháp của thế kỷ XIX được Léopold Pallu sử dụng trong Nam kỳ viễn chinh ký, liệu chị có gặp khó khăn gì không?

Rất nhiều khó khăn. Nhưng đối với những tác phẩm như Xứ Đàng Trong thì ngôn ngữ không phải là trở ngại lớn nhất mà đó là kiến thức nền. Mình không có nền tảng hay sự hiểu biết phong phú về lịch sử, quân sự, tôn giáo...

Khi gặp những sử liệu quan trọng như vậy, mình phải mất thời gian tra cứu rất nhiều. Tuy nhiên, cũng nhờ đó, mình học hỏi được rất nhiều.

Khó là thế, nhưng bản dịch thường được “soi” rất kỹ, điều này có làm chị thấy áp lực không?

Có chứ. Dù tự tin đến thế nào thì mình cũng hồi hộp chờ đợi phản ứng của bạn đọc. Tuy nhiên, mình nghĩ khi sách mình dịch được “soi” nghĩa là cuốn sách và bản dịch đã được quan tâm. Nhiều bạn rất nhiệt tình nhặt sạn, góp ý và mình hoàn toàn cảm thấy biết ơn vì điều đó.

Sự phản biện, phê bình trong dịch thuật là cần thiết và đáng trân trọng, nó không những giúp cho người dịch tỉnh táo và chuẩn xác hơn, mà còn là phương cách để độc giả bày tỏ ý kiến cũng như bản thân dịch giả có thể tự đánh giá lại chất lượng dịch phẩm của mình.

Không phải bản dịch nào cũng hoàn hảo ngay từ ban đầu, có những bản dịch đóng đinh với thời gian nhưng cũng có những bản dịch phải được góp ý, hoặc phải được dịch lại bằng một ngòi bút khác.

Mình chưa phải chịu quá nhiều áp lực, nhưng chắc chắn nếu còn dấn bước sâu hơn nữa vào công việc này thì mình phải mang một tinh thần cầu thị hơn nữa.

Chị có thể cho biết tác phẩm chị yêu thích nhất?

Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger do Phùng Khánh dịch và Buồn nôn của J.P. Sartre do Phùng Thăng dịch.

Quay lại với Một nụ cười nào đó của Francoise Sagan. Chị có thể cho biết điều gì ở tác phẩm này cũng như nữ nhà văn Sagan đã hấp dẫn chị?

Một nụ cười nào đó cũng là đoản thiên tiểu thuyết như Buồn ơi chào mi, tuy nhiên không nổi tiếng bằng.

Có lẽ vì Sagan vẫn trung thành với phong cách đã làm nên tên tuổi bà ở tác phẩm đầu tiên, tức là vẫn một câu chuyện giản đơn, tầm thường xảy ra giữa những nhân vật sống một cuộc đời đáng chán được thuật lại bằng trải nghiệm và lời nói của một thiếu nữ đôi mươi. Nhưng Một nụ cười nào đó còn phô bày một không khí nhàm tẻ hơn nữa, bế tắc hơn nữa, khiến cho hình ảnh những con người sống trong đó càng trần trụi, cô độc và dường như không lối thoát.

Ngòi bút Sagan mang sự giản dị, lãnh đạm, giễu nhại nhưng lại bộc tả chân thực về bức tranh xã hội đương thời của bà.

Đó là điều tôi thích ở nữ nhà văn này. Bà sống như bà viết, và bà viết cũng như bà sống từng giây phút cuộc đời, cực kỳ biết tận hưởng và cũng cực kỳ biết tán thưởng.

Cảm ơn chị. Mong rằng sẽ sớm được đọc các tác phẩm kế tiếp do chị chuyển ngữ.

Bài: Huỳnh Trọng Khang

Ảnh: Trùng Lai

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dich-gia-thanh-thu-nguoi-xa-la-trong-chon-sach-vo-20329.html