Dịch nCoV hoành hành, các bệnh về đường hô hấp khác lại giảm
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, với điều kiện thời tiết như hiện nay tạo thuận lợi cho nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển như: cúm mùa, sởi, ho gà, sốt xuất huyết, tay chân miệng… tuy nhiên, theo ghi nhận tại một số bệnh viện, các loại bệnh này lại giảm so với thời gian trước.
Những bệnh thường gặp mùa đông-xuân
Theo bác sĩ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong tuần qua, tại khoa khám bệnh của bệnh viện, bệnh nhân tới khám gia tăng. Trung bình một ngày, khoa tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân với các triệu chứng chủ yếu ho, sốt, đau họng…
Dù không đi du lịch đến những nơi có dịch nCoV, không tiếp xúc với bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, nhưng khi thấy cơ thể mệt mỏi kèm theo dấu hiệu ho, sốt… nhiều người dân đã đến các cơ sở y tế kiểm tra.
Theo chị Nguyễn Thị Hải Y. (33 tuổi, ở phường Thạch Bàn, quận Long Biên), chị đã làm các xét nghiệm và được các bác sĩ chẩn đoán bị mắc cúm mùa ở thể nhẹ, các bác sĩ đã hướng dẫn cách ly và điều trị tại nhà.
Một trường hợp khác là anh Nguyễn Minh Nh. (35 tuổi là lao động tự do, quê ở tỉnh Nam Định), sau Tết anh quay trở lại Hà Nội để tìm việc thì bị ốm, sốt cao. Lo sợ việc đi lại bằng xe khách đến Hà Nội, tiếp xúc với nhiều người nên dễ mắc bệnh do nCoV, anh đã lập tức đến Bệnh viện Thanh Nhàn để khám và làm xét nghiệm, kết quả xét nghiệm cho thấy anh Nh. dương tính với cúm A.
Nếu như trước đây, khi bị ho, sốt,… mọi người thường đến hiệu thuốc mua thuốc về tự điều trị và khi không khỏi, họ mới đến bệnh viện. Thế nhưng, thời điểm này, mọi người đã chủ động tới bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu ho, sốt vì lo ngại nhiễm nCoV. Tuy nhiên, các bệnh nhân đến đây chủ yếu mắc cúm mùa thông thường như cúm A, cúm B…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, thời điểm hiện tại số lượng bệnh nhi mắc cúm nhập viện giảm mạnh so với cách đây 2 tháng. Còn với bệnh sởi, tay chân miệng hiện cũng ghi nhận rải rác một vài trường hợp nhập viện, chưa ghi nhận trường hợp biến chứng nặng.
Người dân không nên chủ quan bởi vì điều kiện thời tiết giao mùa đông - xuân như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm: Cúm mùa, sởi, tay chân miệng… phát triển, các bệnh này chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc và dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
Người dân cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để phòng chống dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang chia sẻ, hàng ngày bệnh viện có rải rác các ca mắc cúm mùa thông thường, viêm đường hô hấp... đến thăm khám và điều trị. Để tránh lây nhiễm chéo, bệnh viện đã tổ chức riêng một khu khám sàng lọc khoảng 50 bệnh nhân/ngày và phân loại các bệnh truyền nhiễm.
Khu khám này có sự tham gia của 2 bác sĩ nội, 1 bác sĩ nhi, 5 điều dưỡng và 1 hộ lý.
Vừa qua, bệnh viện đã phát miễn phí gần 10.000 chiếc khẩu trang y tế cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, đồng thời hướng dẫn họ các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch bệnh do nCoV nói riêng.
Người dân cần chủ động các biện pháp phòng bệnh
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, từ ngày 1/1 đến 5/2/2020, trên địa bàn thành phố ghi nhận 5 trường hợp mắc sởi, 77 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 6 ca mắc tay chân miệng.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, theo quy luật hằng năm, thời điểm đông - xuân trước, trong và sau Tết Nguyên đán, thời tiết lạnh, ẩm cùng với nhu cầu đi lại, tham gia các lễ hội, du lịch tăng nhanh nên kéo theo nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Thế nhưng, năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh do nCoV nên việc đi lại, tham gia các hoạt động vui chơi đầu xuân bị hạn chế. Do đó, hiện trên địa bàn thành phố, tình hình các bệnh mùa đông - xuân đang được kiểm soát tốt, không có sự gia tăng. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, cần chủ động nắm bắt thông tin và trang bị cho mình những kiến thức phòng bệnh cần thiết.
Theo bác sĩ Lại Thanh Hà, để phân biệt sốt, ho do các bệnh truyền nhiễm thông thường với vi rút corona đều phải qua các xét nghiệm. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho nghi ngờ do nCoV thường là những bệnh nhân đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với người đi từ vùng dịch, chăm sóc người nghi ngờ nhiễm nCoV hoặc bị viêm phổi cấp nhưng chưa tìm ra nguyên nhân.
Do đó, người dân không nên quá lo lắng, không phải cứ thấy các triệu chứng như ho, sốt là đổ xô đến bệnh viện xét nghiệm nCoV, sẽ gây ra tình trạng quá tải bệnh viện, có thể bị lây nhiễm chéo.
Để chủ động các biện pháp phòng bệnh, ông Đào Hữu Thân, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, người dân cần thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch với các bệnh có vắc xin phòng bệnh: Sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm...
Mặt khác, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời. Với người lớn, khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Đặc biệt, tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp.
Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ chế độ ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng, tăng cường hoạt động thể dục thể thao hàng ngày. Ngoài ra, thường xuyên vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày để phòng chống dịch bệnh