Dịch sốt xuất huyết bùng phát nghiêm trọng ở Bangladesh, hơn 400 người tử vong

Bangladesh đang phải đối phó với đợt sốt xuất huyết bùng phát tồi tệ làm hơn 400 tử vong. Nhiệt độ tăng cao và mùa gió mùa kéo dài hơn khiến số ca nhiễm tăng đột biến, các bệnh viện phải vật lộn để ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là ở các khu vực thành thị.

Một công nhân đang phun thuốc khử trùng để diệt muỗi tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Một công nhân đang phun thuốc khử trùng để diệt muỗi tại Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Reuters

Theo số liệu chính thức chính quyền mới công bố, trên toàn quốc đã có 78.595 người nhập viện, trong đó có ít nhất 407 người đã tử vong.

Ông Kabirul Bashar, giáo sư động vật học tại Đại học Jahangirnagar, cho biết, thời tiết thay đổi do biến đổi khí hậu đã tạo ra điều kiện tối ưu cho muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) tác nhân chính gây dịch bệnh phát triển. "Những thay đổi trong mùa này đang tạo điều kiện lý tưởng cho muỗi sinh sản", ông cho hay.

Dân số đông đúc ở các thành phố của Bangladesh làm trầm trọng thêm sự lây lan của bệnh sốt xuất huyết, thường phổ biến hơn vào mùa gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 mặc dù nó đã lan rộng ra ngoài khung thời gian đó trong năm nay.

Nhiệt độ tăng và gió mùa kéo dài hơn, cả hai đều liên quan đến biến đổi khí hậu, đã gây ra sự gia tăng đột biến trong quá trình sinh sản của muỗi, thúc đẩy sự lây lan nhanh chóng của virus sốt xuất huyết.

Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách, số ca tử vong do sốt xuất huyết có thể giảm xuống dưới 1%, Tiến sĩ, bác sĩ ABM Abdullah cho biết, đồng thời nói thêm: "Chẩn đoán và phòng ngừa sớm là chìa khóa để kiểm soát sốt xuất huyết".

Đến giữa tháng 11, đã có 4.173 bệnh nhân được điều trị ở bệnh viện, trong đó 1.835 bệnh nhân ở thủ đô Dhaka và 2.338 bệnh nhân ở những nơi khác.

Năm ngoái là năm có số ca tử vong cao nhất với 1.705 ca tử vong và hơn 321.000 ca nhiễm bệnh.

Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt dịch gia tăng gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Bangladesh, khi các bệnh viện phải vật lộn để điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân.

Các quan chức y tế yêu cầu có các biện pháp phòng ngừa muỗi đốt, chẳng hạn như phun chống muỗi và mắc màn ngủ, trong khi các chuyên gia muốn có các biện pháp cứng rắn hơn để loại bỏ các vùng nước tù đọng nơi muỗi sinh sản.

Các bác sĩ cho biết, sự chậm trễ trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị, đặc biệt là đối với những người dân ở vùng nông thôn phải đi xa đến các cơ sở chuyên khoa ở thủ đô Dhaka, đang làm gia tăng số ca tử vong.

Bệnh thường chỉ có thể biểu hiện các triệu chứng ban đầu nhẹ và không được chẩn đoán cho đến khi bệnh nhân trở nên nguy kịch.

XUÂN ĐÔNG Theo Reuters

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dich-sot-xuat-huyet-bung-phat-nghiem-trong-o-bangladesh-hon-400-nguoi-tu-vong-post845380.html