Dịch sốt xuất huyết lan rộng
Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sốt xuất huyết
Tại Tọa đàm “Phòng tránh sốt xuất huyết - Những giải pháp nào hiệu quả?” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, TS.BS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế, chia sẻ, tại Việt Nam có 2 bệnh lưu hành rất đáng quan tâm, đó là bệnh tay chân miệng và bệnh sốt xuất huyết. Hằng năm, trên thế giới có từ 100-400 triệu người mắc và hơn 10.000 người tử vong. Riêng tại Việt Nam trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong, tỉ lệ tử vong thấp.
Nhắc đến những yếu tố khiến cho dịch sốt xuất huyết khó kiểm soát, GS.TS Vũ Sinh Nam, cố vấn cao cấp về Sốt xuất huyết, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cho hay, sốt xuất huyết là do muỗi truyền, hiện có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tình hình sốt xuất huyết và rất nhiều khó khăn, trong đó có một số khó khăn chính.
Thứ nhất dịch tễ sốt xuất huyết ở Việt Nam hiện nay có thay đổi, trước đây chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, hiện đã lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.
Thứ hai, sốt xuất huyết do muỗi truyền nhưng phòng chống vector hiện nay rất khó khăn. Vì muỗi sốt xuất huyết không giống muỗi truyền sốt rét hay viêm não Nhật Bản là trú động ngoài nhà, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết trú động trong nhà, thích hút máu người, sinh sản và đẻ trứng dưới nước do con người làm ra. Vì vậy nếu chỉ có y tế, chỉ có chính quyền thì không thể diệt được vector truyền bệnh, mà cần sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng nhưng trong thực tế việc này để đạt được hiệu quả mong muốn là khó.
Thứ ba, tình hình đô thị hóa không được kiểm soát, biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ toàn cầu đặc biệt là vấn đề giao thông đi lại tạo điều kiện cho vector phát tiển và lan rộng nhanh chóng trên toàn cầu.
Thứ tư, hiện sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. Sốt xuất huyết gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra rất khó khăn.
Đang nghiên cứu đưa vaccine sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng
Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, dịch sốt xuất huyết xảy ra sẽ đe dọa tính mạng, sức khỏe của người dân, từ trẻ em cho đến người lớn tuổi. Đồng thời, sốt xuất huyết ảnh hưởng tới kinh tế, an sinh xã hội.
Cũng tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, 40 năm qua, thế giới đã rất cố gắng để có phương pháp tốt nhất và hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống dịch bệnh và vũ khí hiệu quả nhất chính là vaccine. Những năm gần đây, đã có vaccine sốt xuất huyết và hiện tại, tại Việt Nam đã cấp phép cho vaccine phòng, chống sốt xuất huyết.
Hiện vaccine ngừa sốt xuất huyết được tiêm dịch vụ. Đại diện Bộ Y tế cho biết đang phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá, nghiên cứu để trình Chính phủ, nếu phù hợp sẽ đưa vaccine sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng mở rộng trong thời gian tới.
Dù vaccine được coi là “vũ khí” dự phòng, nhưng các chuyên gia cho rằng không thể lơ là việc phòng, chống vector truyền bệnh. Cần truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng để chủ động loại bỏ dụng cụ phế thải, diệt loăng quăng, diệt muỗi ở hộ gia đình..., đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bền vững.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dich-sot-xuat-huyet-lan-rong-post533733.html