Dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, người nuôi cần thận trọng

Thời gian gần đây, bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xuất hiện trở lại. Do đó, ngành chuyên môn khuyến cáo người nuôi cần đặc biệt quan tâm chăm sóc đàn heo, đặc biệt khi tái đàn cần quản lý nguồn heo giống và áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn.

Bệnh dịch tả heo châu Phi đang xuất hiện trở lại, người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống

Bệnh dịch tả heo châu Phi đang xuất hiện trở lại, người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, bệnh DTHCP đang diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, bệnh DTHCP xảy ra tại 8 hộ của 7 xã thuộc huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng và TP.Tân An; tổng số heo tiêu hủy là 255 con, tổng trọng lượng 16.125kg. Ngành chuyên môn đã phối hợp địa phương phun xịt thuốc và tổ chức dập dịch theo quy định.

Ghi nhận tại huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An hiện nay, tổng đàn heo trên địa bàn huyện khoảng 5.000 con, quy mô chăn nuôi chủ yếu là nhỏ, lẻ. Tình hình bệnh DTHCP và giá heo hơi thấp làm ảnh hưởng lớn đến việc tái đàn của người dân.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Lê Quốc Bổn, về nguồn heo giống hiện nay, các hộ chăn nuôi phần lớn là mua bán, trao đổi qua lại nên việc kiểm soát mầm bệnh rất khó. Việc phát triển đàn heo trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều khó khăn do giá heo hơi thấp, thức ăn chăn nuôi, giá thuốc thú y tăng cao, cùng với đó là bệnh DTHCP tạo tâm lý e dè cho người nuôi.

Ông Bùi Văn Đạt (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ) cho biết: “Rút kinh nghiệm sau lần bị DTHCP năm trước, năm nay, nhằm bảo vệ đàn heo gần 20 con của gia đình, tôi đã áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như khi ra, vào khu nuôi phải thay đồ bảo hộ và sát khuẩn tại cửa ra, vào; nguồn thức ăn và nước uống cũng được quản lý, giám sát trước khi đưa vào cho heo ăn, uống;...

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh khuyến cáo: "Các địa phương và người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khống chế dịch theo các chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đồng thời, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống; giám sát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc.

Đối với người chăn nuôi, khi tái đàn, tăng đàn, cần chọn mua heo giống tại các trại giống uy tín; khi đưa heo giống về, phải nuôi tách biệt từ 15-20 ngày trước khi cho vào chuồng nuôi chính thức. Ngoài ra, cần thường xuyên phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại và che chắn, ngăn không cho chuột, dơi,... xâm nhập vào bên trong khu nuôi để tránh làm lây lan dịch bệnh”./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/di-ch-ta-heo-chau-phi-die-n-bie-n-phu-c-ta-p-nguo-i-nuoi-ca-n-than-trong-a150607.html