Dịch tả lợn châu Phi cận kề nước Mỹ

Cộng hòa Dominica, nơi cung cấp lượng lớn thịt cho Mỹ, bị cáo buộc lợi dụng đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi để loại bỏ các nhà sản xuất vừa và nhỏ.

Kể từ khi được xác nhận ở châu Mỹ hơn 2 tháng trước, dịch tả lợn châu Phi hiện tràn lan trên khắp 6 châu lục và cận kề xâm nhập vào nước Mỹ, theo Guardian.

Tại Cộng hòa Dominica và Haiti, các mẫu vật được lấy vào tháng 7 và tháng 9 cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Virus này không gây ảnh hưởng đến người hay chất lượng thịt, nhưng chắc chắn là án tử đối với lợn.

Ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ - trị giá 23 tỷ USD - đang rơi vào tình trạng hoảng loạn. Mỹ Latin ở trong tình thế đáng báo động, các nhà sản xuất thịt lợn ở Dominica và Haiti bị ám ảnh bởi ký ức xóa sổ toàn bộ thịt lợn do Mỹ tài trợ khi dịch tả lợn châu Phi tấn công lần cuối cách đây 40 năm.

Tổ chức phi chính phủ quốc tế Grain gần đây tuyên bố Dominica đang lợi dụng đại dịch trên lợn để loại bỏ các trang trại nhỏ. Chính phủ nói rằng các nhà sản xuất quy mô nhỏ đang hoạt động bất hợp pháp, thiếu quy chuẩn vệ sinh và dinh dưỡng để ngăn chặn dịch bệnh.

Rigoberto Echavarría, nông dân người Dominica, mất toàn bộ đàn lợn vào tháng 8 sau khi nhân viên Bộ Nông nghiệp giết tất cả lợn trong các trang trại nhỏ ở điểm nóng và trong bán kính 5 km. Họ hành động mà không xét nghiệm đàn lợn.

Báo cáo cho biết ít nhất 1.000 con lợn đã bị giết trong tháng 8 ở tỉnh Santiago Rodríguez, nơi Echavarría sinh sống. Một nông dân khác cho rằng con số này là 10.000.

 Ở Cộng hòa Dominica, nhiều người ở vùng nông thôn nuôi lợn ở sân sau để tự tiêu thụ. Ảnh: Reuters.

Ở Cộng hòa Dominica, nhiều người ở vùng nông thôn nuôi lợn ở sân sau để tự tiêu thụ. Ảnh: Reuters.

Trang trại của Echavarría nằm ở phía tây bắc của Dominica, cách biên giới Haiti 70 km, nơi một số người nghi ngờ dịch bệnh đã xâm nhập vào hòn đảo này. Tuy nhiên, giống nhiều người khác, ông tin rằng 130 con lợn của mình vẫn khỏe mạnh. Ông tự hỏi liệu các trang trại lớn có đang phải chịu cảnh giống như ông hay không.

Tiến sĩ Rafael Nunẽz Mieses, chuyên gia tại Bộ Nông nghiệp, cho rằng việc tiêu hủy đàn gia súc cỡ nhỏ mà không xét nghiệm là do “thiếu thiết bị”. Chiến lược sau đó đã thay đổi.

Nông dân được bồi thường với giá 2,13 USD/kg, nhưng sai lầm của chính phủ Dominica không thể xóa bỏ ngờ vực của họ.

Ở châu Mỹ Latin, traspatio - hay sau sân - là nơi lợn bị buộc vào cột ở phía sau nhà, nơi chúng kiếm thức ăn thừa.

Chính phủ Dominica phân loại 28.000 trang trại vừa và nhỏ với tiêu chuẩn vệ sinh và dinh dưỡng khác nhau là "trang trại sân sau". Nhưng những người nông dân khẳng định họ không cho lợn ăn thức ăn thừa hoặc thả chúng đi lang thang trên bãi rác bởi họ nhận thức rõ nguy cơ lây truyền bệnh tật.

Mỹ gần đây công bố tài trợ 500 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Cộng hòa Dominica và Haiti.

Sự bùng phát dịch bệnh tại Mỹ có thể lường trước được. Dịch tả lợn châu Phi lây lan tốt qua các loại thịt đã qua xử lý bên trong hành lý, cũng như thịt lợn sống thừa trên tàu thuyền và máy bay.

Kế hoạch ngăn chặn dịch bệnh bằng cách tập trung vào các nông hộ nhỏ không thành công ở Cộng hòa Dominica. Do đó, theo kế hoạch mới tiết lộ bởi nguồn tin chính phủ, toàn bộ đàn lợn sẽ bị tiêu hủy, giống như đợt tiêu hủy năm 1979 tại đây do Mỹ hỗ trợ.

Điều này sẽ bảo vệ ngành công nghiệp thịt lợn của Mỹ, tạo ra sự tăng trưởng lớn trong 27% tỷ lệ tiêu thụ thịt lợn của Dominica, chủ yếu đến từ người tiêu dùng Mỹ.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-ta-lon-chau-phi-can-ke-nuoc-my-post1271489.html