Dịch tả lợn châu Phi lây lan, Quảng Trị xin hỗ trợ hóa chất phòng chống

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị kiến nghị UBND tỉnh đề xuất, hỗ trợ hóa chất để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch thời gian qua.

Trao đổi với Gia đình và Xã hội, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Giám đốcSở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị cho biết, từ ngày 26/10 đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 244 hộ chăn nuôi ở 7 huyện, thị xã và TP Đông Hà. Riêng huyện Triệu Phong, dịch xuất hiện ở tất cả 18 xã, thị trấn đã tiêu hủy 1.134 con.

Ông Nguyễn Phú Quốc cho biết, nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh do một số người chăn nuôi, thương lái chưa nhận thức đầy đủ được tính chất nguy hiểm của dịch. Ngoài ra, vì lợi ích kinh tế trước mắt nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã đem bán, vận chuyển, giết mổ dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Cơ quan chức năng lập chốt kiểm soát để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Cơ quan chức năng lập chốt kiểm soát để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Quốc, virus dịch tả lợn châu Phi lây lan từ khu vực có dịch sang nơi khác qua phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi có chứa mầm bệnh và yếu tố con người đi từ vùng có dịch. Bên cạnh đó, thời tiết biến đổi bất lợi, mưa ẩm kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan trong khi hiện nay đàn lợn trên địa bàn tỉnh chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.

"Để giúp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả, sớm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Bộ NN&PTNN, Cục Thú y hỗ trợ tỉnh 15.000 lít hóa chất phòng, chống dịch bệnh động vật, tiêu độc khử trùng, khắc phục môi trường chăn nuôi", ông Quốc nói.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch tả lợn châu Phi là bệnh nguy hiểm, gây tỉ lệ lợn chết rất cao, tuy nhiên đường lây nhiễm chỉ từ lợn qua lợn và không ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người.

"Mặc dù lợn nằm ở vùng dịch, nhưng nếu âm tính với dịch tả lợn châu Phi thì được đưa vào giết mổ. Lợn giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát, lăn dấu có thể sử dụng tiêu thụ bình thường. Ngành chức năng đang triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch để cắt đứt nguồn lây, người dân cũng không nên quay lưng, nói không với thịt lợn", ông Quốc nhấn mạnh.

Hoàng Dũng

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/dich-ta-lon-chau-phi-lay-lan-quang-tri-xin-ho-tro-hoa-chat-phong-chong-172231129122604023.htm