Dịch tả lợn châu Phi tái phát khiến người dân lo lắng khi tái đàn
Dịch tả lợn châu Phi đang tái phát tại một số địa phương của tỉnh Điện Biên khiến người dân vô cùng lo lắng, gây ảnh hưởng đến việc tái đàn trong bối cảnh giá lợn đang tăng cao.
Đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019 khiến đàn lợn 35 con của gia đình ông Trần Xuân Dụ (đội C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) bị chết phải tiêu hủy, ước thiệt hại gia đình hơn 100 triệu đồng. Với điều kiện kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi, 4 tháng sau đợt dịch, ông Dụ đã vay nợ ngân hàng để tái đàn nhằm gỡ lại thiệt hại mà dịch đã gây ra trước đó.
Gia đình ông đã thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: thường xuyên rắc vôi bột khử trùng toàn bộ khu vực chuồng trại, chọn giống cẩn thận từ nơi có uy tín,…Nhờ vậy, gia đình cũng đã xuất chuồng an toàn một lứa lợn nên mạnh dạn đầu tư tăng số lượng lợn trong chuồng dù thời điểm đó giá lợn giống đang tăng cao.
Tuy nhiên, niềm vui chẳng được bao lâu, từ đầu tháng 4/2020, đàn lợn của gia đình ông bắt đầu có một số con rải rác mắc bệnh và phải tiêu hủy. Đến đầu tháng 6 vừa qua, sau khi có nhiều con lợn mắc bệnh chết không rõ lý do, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Sau khi cơ quan thú y lấy mẫu xét nghiệm đã xác định đàn lợn của gia đình ông Dụ mắc dịch tả lợn châu Phi, tổng số đàn lợn phải tiêu hủy từ tháng 4 - 6/2020 của gia đình là 30 con.
Ông Trần Xuân Dụ cho biết, gia đình không biết nguyên nhân tại sao đàn lợn lại bị dính dịch đợt 2. Gia đình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi nhưng tình hình dịch lại tái phát nên cũng chưa dám tái đàn. “Hiện nay gia đình rất khó khăn do còn nợ tiền ngân hàng, chỉ mong sao cho dịch nhanh qua để gia đình có thể tiếp tục chăn nuôi lại từ đầu", ông Dụ nói.
Gia đình ông Trần Văn Thuận (cùng ở đội C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) cũng thiệt hại 21 con lợn trong đợt cao điểm dịch năm 2019. Sau khi được chính quyền địa phương động viên tái đàn, hiện gia đình ông đã mua 3 con lợn giống để tái đàn. Dù đàn lợn vẫn đang phát triển tốt và chuẩn bị đến kỳ phối giống sinh sản, tuy nhiên nghe tin dịch tiếp tục tái phát khiến gia đình ông không khỏi lo lắng.
Ông Thuận cho biết, thực tế gia đình rất muốn đầu tư tái đàn số lượng lớn nhằm khôi phục lại thiệt hại kinh tế. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn phức tạp bởi vậy gia đình cũng chỉ dám nuôi số lượng ít để thử nghiệm trước. Để đảm bảo cho đàn lợn phát triển, gia đình cũng đã thường xuyên học hỏi từ các phương tiện thông tin đại chúng và khuyến cáo của cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho đàn lợn.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thanh Xương Ngô Minh Cương, năm 2019, toàn xã phải tiêu hủy hơn 40 tấn lợn do dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn hơn 1.000 con lợn (bằng 1/4 so với tổng đàn lợn năm 2019, thời điểm trước khi có dịch).
Mới đây, trên địa bàn xã có 2 hộ xuất hiện dịch tả lợn châu Phi chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, tính đến ngày 30/6 cũng đã gần 1 tháng chưa phát sinh thêm lợn mắc bệnh, tiêu hủy. Do Thanh Xương là xã có nhiều hộ dân phát triển kinh tế bằng chăn nuôi, việc tái phát dịch trở lại khiến người dân khó khăn trong việc tái đàn lợn, gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con cũng như tình hình phát triển kinh tế của xã.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết, tính đến ngày 28/6, toàn tỉnh Điện Biên có 7 xã thuộc 3 huyện, thành phố tái phát dịch tả lợn châu Phi, cụ thể là: Thanh Xương, Pom Lót, Sam Mứn, Thanh Hưng (huyện Điện Biên); Mường Mươn (huyện Mường Chà); Pá Khoang, Mường Phăng (thành phố Điện Biên Phủ).
Tổng số lợn tiêu hủy gần 90 con, trọng lượng gần 2,5 tấn; trong đó, gần nhất là xã Mường Phăng phát sinh dịch ngày 10/6, đến nay không phát sinh thêm lợn mắc bệnh, tiêu hủy. Các địa phương trên cũng đã có quyết định công bố dịch bệnh trên địa bàn và thực hiện các biện pháp phòng chống đối với dịch bệnh.
Theo ông Đỗ Thái Mỹ, so với đợt dịch năm 2019, tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang nằm trong phạm vi kiểm soát được, dịch chỉ diễn ra ở một số hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, áp dụng vệ sinh an toàn sinh học chưa tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là trong lúc đang phải tăng cường tái đàn để bù đắp nguồn cung thì Điện Biên cũng phải đối mặt với việc nguy cơ của dịch bệnh, do trên 95% là chăn nuôi nhỏ lẻ, áp dụng các biện pháp an toàn vệ sinh còn hạn chế.
Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên khuyến cáo người dân cẩn trọng, cân nhắc tái đàn ồ ạt trong giai đoạn dịch đang tái bùng phát và chỉ tái đàn khi thực sự đảm bảo các quy định về vệ sinh chuồng trại, con giống.
Đối với các hộ chăn nuôi mà chưa từng có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong năm 2019, nếu chủ động được con giống, người dân nên tiếp tục thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tái đàn an toàn. Đối với những hộ đã có dịch xuất hiện năm 2019, việc tái đàn cũng phải cân nhắc, đặc biệt là cần phải vệ sinh chuồng trại kỹ trước khi đưa tái đàn.
Tại tỉnh Điện Biên, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ đầu tháng 4/2019 và phải đến đầu tháng 2/2020 tại 100 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Dịch bệnh đã gây thiệt hại không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Hiện nay, việc tái bùng phát dịch bệnh tại một số địa phương trong tỉnh cộng thêm những khó khăn về khan hiếm lợn giống, giá lợn tăng cao khiến người dân đang đứng trước nhiều nỗi lo khi tái đàn.