Dịch tại Hà Nội vẫn phức tạp, F0 ở Đà Nẵng tiếp tục tăng

Trong khi Hà Nội liên tục dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, Đà Nẵng hay Thanh Hóa thời gian qua cũng phát hiện nhiều người nhiễm nCoV.

Tính từ 16h ngày 18/1 đến 16h ngày 19/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.959 ca nhiễm mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 15.936 ca ghi nhận trong nước (giảm 827 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.460 ca trong cộng đồng).

Đáng chú ý trong đó là tình hình dịch chưa có tín hiệu lạc quan tại Hà Nội, sự gia tăng ca mắc mới ở một số địa phương như Đà Nẵng, Hưng Yên và sự xuất hiện của những trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ở cộng đồng.

Hà Nội ghi nhận hơn 100.000 F0 trong đợt dịch thứ 4

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tối 19/1, địa phương này vừa ghi nhận thêm 2.910 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua, từ đó tiếp tục chuỗi ngày dẫn đầu cả nước về lượng ca mắc mới.

Tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội đã có tổng cộng 100.170 ca mắc Covid-19. Bộ Y tế cũng ghi nhận Hà Nội là một trong 5 địa phương có số ca mắc Covid-19 tích lũy cao nhất trong đợt dịch lần này, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh.

 Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 18/1, cho thấy Hà Nội có 1.859 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.

Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 2.263 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 634 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch (tăng 14,7% so với trung bình 7 ngày trước).

Trong đó, 554 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 25 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 13 người thở máy không xâm lấn, 42 ca thở máy xâm lấn.

Thành phố đã tiêm được tổng cộng 13.843.013 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 229.623, mũi nhắc lại là 1.556.577.

Theo cập nhật mới nhất, Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng - nguy cơ). Hà Nội vẫn có 7 quận/huyện cấp độ 3; 23 quận/huyện/thị xã cấp độ 2.

Các khu vực cấp độ dịch 3 gồm: Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và huyện Gia Lâm. Toàn thành phố không có địa bàn nào ở cấp 4 (nguy cơ rất cao, màu đỏ), nhưng cũng không còn quận, huyện nào cấp độ 1 (nguy cơ thấp, màu xanh).

Mới đây, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành công văn về phòng, chống dịch bệnh năm 2022. Theo đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy nhận định các biện pháp phòng, chống Covid-19 được triển khai đồng bộ, quyết liệt, vaccine đã được bao phủ trên diện rộng nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp.

Trong khi đó, các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu, sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng,... đang có xu hướng gia tăng và nguy cơ lây lan rộng tại một số địa phương. Mặt khác, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ý thức vệ sinh, phòng bệnh của người dân không tốt là điều kiện cho virus, vi khuẩn và những dịch bệnh mới nổi, dịch bệnh lạ phát sinh, phát triển.

Do đó, để hạn chế thiệt hại khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố, Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị Sở Y tế Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh, chỉ đạo các cơ sở y tế nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng; giám sát phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời, giảm tác hại của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, sở cần rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kịch bản phòng, chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19; giám sát chặt chẽ công tác vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nơi tập trung đông người; hành khách nhập cảnh từ các vùng có dịch, ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm ca bệnh và kịp thời xử lý. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện cho công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng bao vây, khống chế ổ dịch tại cộng đồng, làm tốt công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tại các cơ sở y tế.

TP.HCM lo ngại biến chủng mới

Với 263 F0 được phát hiện sau 24 giờ, TP.HCM đã có ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận số người mắc Covid-19 dưới ngưỡng 300 ca.

Mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng cho biết ngày 19/1, số ca tử vong tại địa phương này là 9; trong đó, 3 ca từ các tỉnh khác chuyển đến. Như vậy, số tử vong của TP.HCM ngày 19/1 chỉ là 6 ca, thấp nhất từ trước đến nay.

"Đó là thông tin trước nay chưa dám nghĩ tới", Bí thư Nên chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 19/1, TP.HCM phát hiện chùm ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên lây nhiễm trong cộng đồng từ một gia đình có người từ Mỹ trở về.

Đến nay, thành phố đã ghi nhận 6 F0 liên quan ca bệnh nhập cảnh, trong đó có 3 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng ở TP.HCM. Bốn người còn lại đang chờ kết quả giải trình tự gene.

 Bệnh viện Dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), nơi cách ly những ca nhiễm, nghi nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh viện Dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức), nơi cách ly những ca nhiễm, nghi nhiễm biến chủng Omicron. Ảnh: Duy Hiệu.

Tất cả đều được chuyển đến cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (phường An Khánh, TP Thủ Đức). Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, tất cả đều có sức khỏe ổn định.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng xác định được tổng số F1 liên quan là 9 người, đang chờ kết quả xét nghiệm rRT-PCR. Trường hợp dương tính cũng được giải trình tự gene xác định chủng virus.

Sở Y tế TP cũng chỉ đạo HCDC tiếp tục mở rộng, điều tra các trường hợp đi chung chuyến bay với ca nhập cảnh cũng như những người tiếp xúc gần.

Một số tỉnh, thành phố tăng số ca mắc mới

Ngày 19/1, Đà Nẵng ghi nhận 892 người mắc Covid-19, qua đó xếp ở vị trí thứ 2 trên toàn quốc về số F0 được ghi nhận trong ngày, chỉ đứng sau Hà Nội. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong ngày của Đà Nẵng đã tăng từ ngưỡng 100-200 lên khoảng 800-900 trường hợp.

Trung bình 7 ngày qua, Đà Nẵng hiện cũng đứng thứ 3 về số lượng F0 trong ngày với khoảng 850 ca/ngày.

Ở thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhận định điều đáng lo ngại là nhu cầu đi lại, mua sắm, các hoạt động, sự kiện diễn ra với tần suất cao. Ngoài ra, một số điểm nóng tại các chợ trên địa bàn thành phố cũng buộc phải đóng cửa thời gian qua.

Theo đó, bà yêu cầu địa phương cần tập trung bảo vệ an toàn cho các chợ trên địa bàn. Bên cạnh các biện pháp như sắp xếp giãn cách, đeo kính chống giọt bắn, chính quyền phải hỗ trợ những điều kiện khử khuẩn và tổ chức xét nghiệm, ban quản lý chợ vận động tiểu thương đóng góp để xét nghiệm với tần suất 3 ngày/lần để tầm soát nguy cơ tại chợ. Nếu kiểm soát chặt, đảm bảo an toàn, các chợ sẽ được sớm mở cửa trở lại, duy trì hoạt động kinh doanh mua bán cho người dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế Đà Nẵng hướng dẫn chu đáo cho các địa phương cung cấp đủ trang thiết bị cho trạm y tế để thực hiện điều trị F0 tại nhà. Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị một cơ số giường bệnh nhất định để sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp phát hiện khi họ đến khám chữa bệnh khác.

Vị lãnh đạo cũng thông tin Đà Nẵng đang thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và không có chuyện thành phố sẽ thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 hay phong tỏa trước Tết như một số tin đồn thất thiệt gần đây.

Đến nay, thành phố đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine trên 99% cho người thuộc đối tượng tiêm chủng. Do đó, số ca mắc nhiều nhưng lượng người diễn biến nặng rất thấp. Mặt khác, theo Phó chủ tịch UBND thành phố, Đà Nẵng đã cố gắng chuẩn bị kỹ các điều kiện về năng lực xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân.

Thanh Hóa trong ngày 19/1 cũng ghi nhận 628 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và đứng thứ 4 cả nước. Tỉnh đang điều trị cho 3.716 bệnh nhân Covid-19. Trong đó, 15 ca đang diễn biến nặng, nguy kịch.

Toàn tỉnh đã tiêm đủ mũi vaccine cho 2.321.795/2.389.774 người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 97,2%; 239.903/282.970 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, đạt tỷ lệ 84,8%. Ngoài ra, 154.316 người dân trên địa bàn tỉnh đã được tiêm mũi bổ sung và 35.786 người tiêm mũi nhắc lại.

Theo báo cáo của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau, ngày 19/1, địa phương này ghi nhận thêm 379 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tăng 25 ca so với hôm qua. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 48.239 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Thống kê của địa phương cũng cho thấy tổng số 5.877 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đang được điều trị tại Cà Mau; trong đó, 727 trường hợp điều trị tại cơ sở y tế, 254 người điều trị tại cơ sở tăng cường và 4.896 ca điều trị tại nhà.

Theo quyết định mới đây của UBND tỉnh Cà Mau, nhà hàng, quán ăn, uống, nếu dịch ở cấp độ 1, được hoạt động bình thường, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; dịch ở cấp độ 2, được phép hoạt động, mỗi bàn không quá 4 người, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch; dịch ở cấp độ 3, 4, chỉ được bán mang về.

Quy định trước đó yêu cầu khi dịch ở cấp độ 2, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động, mỗi bàn không quá 4 người, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch (trừ loại hình kinh doanh rượu, bia không được hoạt động).

Cũng theo quyết định mới điều chỉnh, đối với cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao, nếu dịch ở cấp độ 1, các hoạt động: Vũ trường, quán bar dừng hoạt động; các loại hình còn lại được hoạt động nhưng không vượt quá sức chứa tối đa; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch ở cấp độ 2, các hoạt động: Vũ trường, quán bar, internet, trò chơi điện tử dừng hoạt động; các loại hình còn lại được hoạt động nhưng không tập trung quá 50% sức chứa tối đa cùng một thời điểm; đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch. Dịch ở cấp độ 3, 4 dừng hoạt động.

Không gây khó dễ cho người dân về quê ăn Tết

Trong công điện ban hành ngày 19/1, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không đặt ra quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn Tết Nhâm Dần 2022.

Các tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc quy định và tổ chức thực hiện biện pháp y tế, hành chính (như xét nghiệm, cách ly…) liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân.

 Khách trên chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM tới Hà Nội sau khi hàng không nội địa hoạt động trở lại vào tháng 10/2021. Ảnh: Việt Linh.

Khách trên chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM tới Hà Nội sau khi hàng không nội địa hoạt động trở lại vào tháng 10/2021. Ảnh: Việt Linh.

Mặt khác, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, công nhân, người lao động thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.

Để thích ứng linh hoạt với dịch, Thủ tướng chỉ đạo triển khai “thần tốc” và “thần tốc hơn nữa” trong tổ chức việc tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi.

Quốc Toàn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dich-tai-ha-noi-van-phuc-tap-f0-o-da-nang-tiep-tuc-tang-post1290873.html